Những vấn đề tồn tại ở cao tốc TP.HCM – Trung Lương
Sự kiện - Ngày đăng : 07:46, 06/04/2022
Mặt đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương xuống cấp sau 12 năm sử dụng, lượng xe tăng hơn 30% so với thời điểm trước khi dừng thu phí. Đây là những điều hiển nhiên, nhưng đáng quan tâm, trong thời gian này tuyến cao tốc ghi nhận hơn 200 vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Theo thống kê của Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ), chỉ trong năm 2021, tuyến cao tốc dài 62 km này xảy ra 144 vụ TNGT, trong quý 1.2022 có 26 vụ.
Nhiều tài xế thường xuyên lưu thông trên tuyến cao tốc này cho rằng, lượng xe tăng sau khi dừng thu phí là điều có thể hiểu. Chất lượng đường xuống cấp sau một thời gian dài sử dụng cũng là điều hợp lý.
Tài xế Huỳnh Minh Hòa, lái xe khách tuyến miền Tây đi TP.HCM cho biết, so với lúc còn thu phí chất lượng đường có phần xuống cấp, tùy theo đoạn. Hơn nữa, khi dừng thu phí, các phương tiện được phép lưu thông tăng đáng kể, khiến tuyến cao tốc này không còn đúng nghĩa là cao tốc nữa. Vào dịp lễ tết trong năm, mật độ phương tiện lưu thông nhiều, cao tốc này còn ghi nhận nhiều vụ kẹt xe, đây là điều rất hiếm lúc còn thu phí.
“Rác do các phương tiện xả bừa bãi trong quá trình lưu thông cũng là một vấn đề đáng nói. Tôi để ý thấy có đội vệ sinh dọn dẹp, nhưng rất nhanh lại thấy vỏ chai, mảnh vỏ xe bể… ở phía làn ưu tiên. Nếu xe đang chạy tốc độ cao, cán qua những rác thải lớn dễ khiến xe chao đảo, tài xế giật mình”, anh Hòa nhận xét.
“Tai nạn giao thông còn do yếu tố con người, chính là cánh tài xế như chúng tôi đây, hoặc do xe hỏng, các tình huống bất ngờ. Nhưng nếu tai nạn xảy ra có phần do chất lượng đường, lượng xe lưu thông thì có thể can thiệp, khắc phục được”, anh Huỳnh Văn Đậm, tài xế xe tải ở Cần Thơ bày tỏ ý kiến.
Kỹ sư ô tô Nguyễn Minh Đồng, đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, từng có thời gian dài định cư ở Đức. Khi trao đổi với PV Một Thế Giới đã có những phân tích về những khả năng xảy ra TNGT trên tuyến đường này.
Theo kỹ sư này, yếu tố con người cụ thể hơn là tính kỷ luật là nguyên nhân trước tiên trong các vụ TNGT. “Xe chạy không đúng luật gây tai nạn, không phải là do đường xấu. Theo tôi tài xế cần phải tuân thủ quy định từng làn xe đúng với tốc độ tối đa và tối thiểu. Không thể để tình trạng xe chạy tốc độ bao nhiêu cũng có thể tùy ý chọn làn để chạy. Điều này rất nguy hiểm. Vì khi thấy sự cố bất ngờ diễn ra, con người mất tối thiểu 1,8 đến 2 giây mới có thể tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý. Với tốc độ trên cao tốc, tài xế liệu có phản ứng kịp không?”, kỹ sư Đồng đặt vấn đề.
Sau hơn 3 năm dừng thu phí, những vấn đề nói trên không còn mới. Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ kế hoạch thu phí trở lại tuyến cao tốc này. Dù vậy đến nay vẫn chưa triển khai được.
Ông Nguyễn Văn Thành – Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, cho biết trong thời gian dừng thu phí, cao tốc TP.HCM – Trung Lương vẫn được bảo trì, sửa chữa phân kỳ theo hàng năm, đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông. Ông Thành cũng cho biết, tuyến cao tốc nào cũng phải trải qua thời kỳ trung tu, đại tu để đảm bảo chất lượng sử dụng.
“Về vấn đề rác thải trên cao tốc, chúng tôi cũng rất đau đầu. Ý thức của người dân khi tham gia giao thông rất kém. Lực lượng duy tu rất vất vả, vừa dọn xong đã thấy rác xả ngay tại đó”, ông Thành nói.
Về việc thu phí trở lại trên tuyến cao tốc này, ông Thành cho biết việc quyết định, triển khai như thế nào là của Bộ GTVT và Chính phủ. Ở góc độ là người đứng đầu đơn vị quản lý trực tiếp tuyến cao tốc, ông Thành cũng cho rằng, việc thu phí lại là cần thiết để tuyến cao tốc này hoạt động trở lại một cách hiệu quả và an toàn.
Kể từ khi cao tốc TP.HCM – Trung Lương dừng thu phí vào đầu năm 2019, mỗi năm ngân sách vẫn phải chi hơn 100 tỉ đồng để duy trì công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương (nối TP.HCM, Long An và Tiền Giang), có chiều dài 62 km, tổng vốn đầu tư từ ngân sách là 9.880 tỉ đồng. Trong đó có 40 km là tuyến cao tốc chính, phần còn lại là các tuyến đường nhánh nối vào cao tốc.
Theo thiết kế, vận tốc tối đa của tuyến cao tốc này là 120 km/giờ, vận tốc trung bình lúc thu phí là 100 km/giờ. Hiện nay, do lưu lượng xe đông nên vận tốc trung bình trên cao tốc này giảm chỉ còn 60 - 70 km/giờ.
Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên do Việt Nam thiết kế và thi công trong 6 năm. Năm 2012, tuyến cao tốc này bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước đã ứng ra để đầu tư xây dựng. Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh đã trúng đấu giá 2.004 tỉ đồng và được quyền thu phí từ 1.1.2014 đến 31.12.2018.