Ba Lan chỉ trích Đức vì quá thân thiết với Nga, lạnh nhạt với Ukraine theo kiểu Bismarck
Quốc tế - Ngày đăng : 16:10, 04/04/2022
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trong một cuộc họp báo hôm nay khẳng định Đức là rào cản chính trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.
Tuyên bố được đưa ra khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhận xét về việc Thủ tướng Viktor Orban giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hungary vào Chủ nhật sau khi vấp phải những lời chỉ trích về lập trường không đủ cứng rắn đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
"Chúng ta phải thấy rằng, bất kể chúng ta tiếp cận Hungary như thế nào, đây là lần thứ tư kết quả chiến thắng diễn ra như vậy và chúng ta phải tôn trọng các cuộc bầu cử dân chủ... chính Đức mới là rào cản chính đối với các lệnh trừng phạt", ông Morawiecki nói.
Trước đó, Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cáo buộc Pháp và Đức có quan hệ quá chặt chẽ với Nga trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ nhật.
Jaroslaw Kaczynski, đồng thời là lãnh đạo của đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền, nói trên nhật báo Đức Die Welt: “Đức, giống như Pháp, rất thiên vị Moscow”.
Kaczynski đã dành những lời mạnh mẽ nhất cho Berlin khi phát biểu: “Trong những năm qua, chính phủ Đức không muốn thấy những gì Nga đang thực hiện dưới sự lãnh đạo của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và chúng ta được chứng kiến kết quả ngày hôm nay”.
Ông nói thêm: “Ba Lan không hài lòng với vai trò của Đức ở châu Âu". Ông trách móc Berlin vì đã tìm cách xây dựng lại những gì mà cựu thủ tướng thế kỷ 19 Otto von Bismarck đã theo đuổi cho sự thống trị của Đức nhưng "sát cánh với Nga”.
Phó thủ tướng Ba Lan đặc biệt lên án Berlin vì đã không cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine và từ chối lệnh cấm vận, ít nhất là đối với việc nhập khẩu dầu từ Nga. Kaczynski nêu con số: “Điều quan trọng cần biết là Nga thu được doanh thu từ bán dầu cao hơn gấp 4 đến 5 lần so với bán khí đốt”.
Phó thủ tướng Ba Lan nói thêm: “Chúng ta không thể tiếp tục hỗ trợ vĩnh viễn một cường quốc như Nga bằng cách trả hàng tỉ USD”. Trước cuộc tiến quân của Nga vào Ukraine ngày 24.2, Đức đã nhập khẩu 55% khí đốt tự nhiên, một nửa than và khoảng 35% dầu từ Nga.
Tổng thống Pháp Macron trước đây đã bị chỉ trích vì mối quan hệ của ông với Putin và mối quan hệ thân thiết giữa họ. Các giao dịch của ông với lãnh đạo Nga sau khi Nga tiến quân vào Ukraine là một trong những điểm nhức nhối như vậy.
Trong khi đó, Pháp và Đức đang chuẩn bị cho việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga, Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết hôm 31.3 trong bối cảnh ông Putin cảnh báo Moscow sẽ cắt nguồn cung cấp cho những ai từ chối thanh toán bằng đồng rúp.