Chuyển đổi số trong du lịch: Bước chạy đà quan trọng để tăng trưởng trở lại
Du lịch - Ngày đăng : 13:33, 31/03/2022
Chuyển đổi số ngành du lịch còn khó khăn
Hiện nay, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... Điều này thể hiện rõ ràng qua sự dịch chuyển hoạt động tương tác của du khách, từ bước đặt phòng, mua vé tàu xe đến đánh giá dịch vụ đều thực hiện trên ứng dụng di động.... Nhiều du khách đã sử dụng và đánh giá việc chuyển đổi số là thuận lợi trong việc tìm kiếm hay xem xét địa điểm đến của họ.
Chia sẻ với phóng viên về việc áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động ngành du lịch có những khó khăn và thuận lợi gì, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch ông Phạm Văn Thủy cho biết, với việc áp dụng các dịch vụ chuyển đổi số, khách du lịch có những trải nghiệm tốt hơn với du lịch. Từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều diễn ra trên môi trường số một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Mặt khác, nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm thông minh ngày càng tăng, điện thoại thông minh trở thành vật dụng đầy sức mạnh và không thể thiếu đối với hầu hết du khách. Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có bài toán thích ứng nhanh chóng và tận dụng thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã và đang yêu cầu các đơn vị lữ hành triển khai các giải pháp hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể trong ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành du lịch. Trong đó chú trọng nền tảng kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp, phát triển điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ các địa phương thực hiện chuyển đổi số du lịch. Nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo...
Đồng thời các doanh nghiệp đều đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo... đã đưa hình ảnh 3D về địa điểm lên mạng để người sử dụng thuận lợi trong việc tham quan.
Tuy nhiên, công tác chuyển đối số trong ngành du lịch cũng gặp một số khó khăn như chưa có nhận thức đồng bộ, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan. Đặc biệt là giữa khách hàng và doanh nghiệp, việc thiếu nguồn lực, hạn chế về kiến thức, trình độ... dẫn đến việc e ngại và phản hồi không tốt với các điểm đến của du khách.
Ngay khi đại dịch COVID-19 đã gần như được kiểm soát, ngành du lịch cũng đã được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện phát triển hơn về việc ứng dụng số. Trong đó, chính phủ yêu cầu ngành du lịch cần nâng cao việc liên kết hợp tác, hướng tới xây dựng nền tảng của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự tham gia tích cực chủ động và sáng tạo của doanh nghiệp, điểm đến. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách tại nơi lưu trú với dịch vụ ban đầu là chec-kin hay check-out giảm bớt thời gian cho khách, không lưu giữ bản gốc giấy tờ mà chỉ lưu bản photo hoặc lưu bằng mã QR code.
"Ngân sách cho việc chuyển đổi số trong ngành du lịch còn thiếu, nhưng các địa phương cũng rất chủ động trong việc triển khai các ứng dụng riêng của tỉnh mình. Vì bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước thì cũng cần có sự chủ động và sáng tạo của các công ty lữ hành hay điểm đến, tạo sự thu hút với từng du khách. Các địa phương xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề. Trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau, tạo điều kiện tốt nhất cho các du khách, mang lại sự hài lòng để khách hàng quay trở lại" - ông Phạm Văn Thủy khẳng định.
Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam
Hiện nay, du lịch chính là một ngành dịch vụ thu được lợi nhuận khá lớn với sự tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch nhưng ngành cũng cần sự vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các đơn vị nhà nước.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết do dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp tới ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, trước nhu cầu của khách thay đổi, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng dịch nên hiện các giao thức cũng thực hiện nhiều qua mạng. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều đã ứng dụng công nghệ để quản lý và bán hàng trên môi trường mạng. Các sàn thương mại điện tử du lịch hiện chiếm khoảng 20% thị phần, các ứng dụng vận chuyển số của Việt Nam chiếm khoảng 13% thị phần trong nước.
Tuy nhiên, các đơn vị lữ hành vẫn còn gặp phải những rào cản pháp lý và sự thiếu hụt nguồn nhân lực, tư vấn là những rào cản lớn trong việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển ngành du lịch.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đang gây nên những đứt gãy chuỗi cung ứng đối với ngành du lịch toàn cầu. Ngành du lịch Việt Nam cần có cách tiếp cận mở hơn đối với vấn đề liên quan đến tài sản số mà các đơn vị lưu trú, các công ty lữ hành đang lưu trữ. Nếu không tạo điều kiện cho các công ty lữ hành phát triển, thì ngành du lịch cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đón tiếp và phát triển du lịch ngay tại sân nhà.
Về các giải pháp chuyển đổi số cho ngành du lịch, một số chuyên gia cho rằng hiện nay các doanh nghiệp cần xây dựng một chuỗi cung ứng phù hợp với khách hàng sau đại dịch. Để làm được việc đó, chúng ta cần thắt chặt mối quan hệ giữa chính phủ, doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không, chuỗi khách sạn và du khách.
Qua đó, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch mới có thể đồng bộ hóa hành trình du lịch của khách hàng. Bên cạnh việc tập trung vào các trải nghiệm của khách hàng, ngành du lịch và các doanh nghiệp cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng số, hệ sinh thái số. Một số nhóm giải pháp có thể triển khai sớm như cung cấp chứng chỉ số liên thông các quốc gia để qua đó hỗ trợ tốt hơn cho việc định danh, chứng nhận y tế và đồng thời giúp du khách dễ tiếp cận, trải nghiệm mà vẫn tuân thủ các quy tắc an toàn du lịch.
Theo báo cáo nghiên cứu, đánh giá của ngành du lịch thì khách du lịch sau COVID-19 có tâm lý e ngại đến những trung tâm đông người. Họ quan tâm nhiều hơn tới an toàn sức khỏe, thận trọng khi lựa chọn điểm đến, phương tiện và cách thức tổ chức chuyến đi.
Du khách có khuynh hướng đi theo nhóm nhỏ với bạn bè và gia đình, tìm đến những khu nghỉ dưỡng chất lượng, an toàn, tách biệt, gần gũi thiên nhiên, ít tiếp xúc và ngày càng dựa vào công nghệ để thực hiện chuyến đi theo ý muốn. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và trải nghiệm du lịch ngày càng phổ biến; dịch vụ trực tuyến, du lịch thông minh sẽ dần thay thế nhiều công đoạn dịch vụ truyền thống.
Có thể thấy, ở thời điểm này, các giải pháp du lịch chuyển đổi số đã và đang thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp du lịch dù có quy mô lớn hay nhỏ. Nhu cầu chuyển đổi số của người dân và các doanh nghiệp ở mọi quy mô gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gia tăng mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp các quốc gia. Điều này không chỉ giúp đơn vị lữ hành hay chính những đơn vị du lịch địa phương, điểm đến du lịch hiểu thị trường hơn mà còn dễ dàng tiếp nhận phản hồi để thay đổi chính mình theo hướng tích cực và ngày càng hoàn thiện.
Dù dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và lượng khách chưa thể tăng lại ngay đối với ngành du lịch Việt Nam lúc này, tuy nhiên việc duy trì hiện diện thương hiệu, chăm sóc khách hàng bằng các hình thức chuyển đổi số, giúp du khách check-in kiểm tra điểm đến, du lịch qua màn ảnh số.... chính là những "bước chạy đà" quan trọng để các doanh nghiệp và điểm đến phục hồi nhanh hơn trong tương lai sắp tới. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành du lịch đã và đang xây dựng.