Nhân khủng hoảng Ukraine, Nam Osettia của Gruzia muốn sáp nhập vào Nga như bán đảo Crimea

Quốc tế - Ngày đăng : 08:57, 31/03/2022

Lãnh đạo nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia thuộc Georgia, Anatoly Bibilov cho biết họ dự định thực hiện các bước pháp lý để khởi động quá trình gia nhập với Nga trong tương lai gần.

Ông Bibilov cho biết: "Tôi tin rằng thống nhất với Nga là mục tiêu chiến lược của chúng tôi. Theo con đường của chúng tôi, khát vọng của người dân, chúng tôi sẽ đi theo con đường này. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước pháp lý liên quan trong tương lai gần. Cộng hòa Nam Ossetia sẽ là một phần lịch sử của đất mẹ - nước Nga".

Ông Bibilov nói thêm người dân Ossetia bị chia rẽ, và mục tiêu lịch sử và chiến lược của họ là "thống nhất trong một quốc gia và “Quốc gia này là Liên bang Nga”.

"Mục tiêu này đã được người dân của chúng tôi vạch ra nhiều lần và chúng tôi có cơ hội biến giấc mơ hàng thế kỷ của mình thành hiện thực vào năm 2014, khi Crimea trở lại đất mẹ. Khi đó, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội, nhưng chúng tôi không thể để điều đó xảy ra một lần nữa".

Tình hình của Nam Osettia của Gruzia (hay Georgia) có nhiều điểm tương đồng với 2 tỉnh ly khai ở đông Ukraine. Chỉ có khác biệt là Nga đã công nhận nền độc lập của Nam Ossetia ngay từ năm 2008 sau cuộc chiến với Georgia. Trong khi ở Ukraine, Nga chỉ mới công nhận độc lập cho Donetsk và Luhansk vào tháng trước, vài ngày trước khi tiến quân vào Ukraine.

nga-nam.jpg
Nga đã công nhận Nam Osettia độc lập từ 2008

Ngoài Nga, nền độc lập của Nam Ossetia chỉ được công nhận bởi Venezuela, Nicaragua, Syria và Nauru, có nghĩa là phần còn lại của thế giới coi lãnh thổ của quốc gia ly khai là một phần của Gruzia.

Trước đó, vào ngày 27.3, người đứng đầu chính quyền CHND Lugansk (LPR) tự xưng Leonid Pasechnik cho biết khu vực này có thể sớm tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng sáp nhập vào Nga. Ông Pasechnik tuyên bố: "Tôi nghĩ một cuộc trưng cầu dân ý có thể được tổ chức trên lãnh thổ LPR trong tương lai gần. Người dân sẽ được thực hiện quyền theo hiến pháp và thể hiện quan điểm về gia nhập Liên bang Nga”

Đến ngày 29.3, ông Denis Pushilin, người đứng đầu chính quyền CHND Donetsk tự xưng (DPR) cho biết các vấn đề liên quan đến khả năng DPR ly khai này gia nhập Nga sẽ được giải quyết.

Theo lời ông Pushilin, năm 2014, người dân ở vùng Donetsk từng trưng cầu dân ý và quyết định việc gia nhập Nga. Tuy nhiên, Moscow khi đó không hậu thuẫn ý tưởng này.

Ông tuyên bố: "Về việc gia nhập vào Nga, mong muốn và nguyện vọng đã được xác định rõ ràng từ năm 2014. Tuy nhiên bây giờ, nhiệm vụ chính là giành được biên giới theo hiến pháp. Sau đó, chúng ta sẽ quyết định việc đó (sáp nhập vào Nga)".

Trong hiến pháp thành lập năm 2014, DPR coi toàn bộ địa giới tỉnh Donetsk là lãnh thổ của họ. Với sự trợ giúp của Nga, DPR hiện kiểm soát hơn 50% diện tích Donetsk.

Thượng nghị sĩ Nga Andrei Klishas bình luận, LPR và DPR rõ ràng có quyền quyết định việc sáp nhập vào Nga nếu "điều đó không mâu thuẫn với hiến pháp của họ".

Tuy nhiên, ông Leonid Kalashnikov, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên kết Á - Âu và Kiều bào của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga hôm 27.3 nói rằng hiện tại không phải thời điểm phù hợp cho việc sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Donbass.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nói: "Tất cả cuộc trưng cầu dân ý giả tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời đều không hợp lệ và không có giá trị pháp lý".

Anh Tú