Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu xử lý hàng loạt vụ vi phạm đất đai
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:15, 30/03/2022
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phan Thế Huy vừa ký thông báo kết luận phiên họp UBND tỉnh tháng 3.2022.
Về báo cáo kết quả giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm hạn trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm
Theo đó, UBND huyện Bình Xuyên tập trung xử lý vi phạm đất đai tại xã Đạo Đức, khu đất nhận bàn giao của Công ty Vineco Tam Đảo; tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại thị trấn Tam Đảo theo chỉ đao của tỉnh tại văn bản số 264/UBND – NN5 ngày 15.4.2021, số 8704/UBND-NN5 ngày 4.10.2021.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND thành phố Phúc Yên xử lý vi phạm về phá rừng, xây dựng trái phép của hộ bà Vân Anh tại khu Đồng Chằm, Hồ Trại Trâu và hộ ông Trịnh Long xây dựng FamStay ở thôn Đồng Câu xong trong quý 2 năm 2022…
Trước đó báo chí phản ánh việc lấn chiếm đất hồ quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài tại khu vực hồ Thanh Niên (thôn Thanh Cao) và hồ Trại Trâu (thôn Đồng Chằm) thuộc thành phố Phúc Yên. Tại hồ Trại Trâu đã phát hiện nhà thầu san gạt đổ đất trực tiếp xuống lòng hồ làm biến dạng địa hình gây ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn xây dựng.
Theo thông tin từ Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Đông Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Vĩnh Yên cho biết, việc giải quyết các vi phạm về đất đai luôn là vấn đề khó, phức tạp do một số người đã cố tình lấn chiếm đất, xây dựng các công trình vi phạm vào các ngày cuối tuần, ngày lễ tết, ban đêm và tập trung chủ yếu vào diện tích đất trước đây đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Kim Long, Công ty Nhân Nghĩa.
Thậm chí, nhiều người đã thuê người thực hiện các hành vi ngăn cản, đe dọa, thách thức cán bộ kiểm tra xử lý vi phạm hoặc đe dọa người làm chứng, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm. Ngoài ra, quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng còn nhiều bất cập, khó áp dụng vào thực tế.
Theo ông Giang, để tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết vi phạm đất đai, ngày 14.2.2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 45 giao 9 xã, phường tập trung xử lý, giải quyết xong tối thiểu 159 trường hợp vi phạm đất đai trước ngày 16.3.2020; xử lý, phá dỡ công trình của 12 trường hợp vi phạm sau ngày 16.3.2020; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mới.
Với các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Vĩnh Tường, để tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết các vi phạm về đất đai, UBND các huyện đã tổ chức cho các xã, thị trấn ký cam kết không để phát sinh vi phạm mới; tập trung xử lý các trường hợp ít khó khăn, vướng mắc trước. Đồng thời phân loại, xây dựng các phương án xử lý đối với từng nhóm đối tượng; xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương khi để xảy ra các vi phạm mới mà không kịp thời có biện pháp giải quyết.
Năm 2021, các huyện này đều vượt các chỉ tiêu được giao, trong đó, huyện Bình Xuyên đã giải quyết được 442 trường hợp vi phạm đất đai, tăng gần 10% so với chỉ tiêu được giao thực hiện tại kế hoạch số 54 của UBND tỉnh, xử lý xong 81/82 trường hợp vi phạm đất đai sau ngày 16.3.2020; huyện Lập Thạch giải quyết được 612 trường hợp, vượt 185 trường hợp giao; huyện Vĩnh Tường giải quyết được 826 trường hợp, tăng 2 trường hợp so với chỉ tiêu Kế hoạch số 54 của UBND tỉnh giao.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, UBND tỉnh giao 9 huyện, thành phố xử lý, giải quyết dứt điểm 3.553 trường hợp tồn tại vi phạm về đất đai, trong đó 3.212 vi phạm về lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền; 341 trường hợp đã thu tiền đất nhưng chưa giao đất.
Ngoài ra, Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt 19 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo và chỉnh trang phát triển khu đô thị; tổ chức 2 cuộc thanh tra dự án đô thị, nhà ở. Thanh tra tỉnh thực hiện 6 cuộc thanh tra về đất đai, phát hiện trên 116 ha, với trên 3.800 trường vi phạm; đôn đốc thực hiện 18 kết luận thanh tra về đất đai, với tổng diện tích đất vi phạm là gần 350ha.
Hết năm 2021, toàn tỉnh có 7/9 địa phương chỉ đạo, giải quyết xong các vụ vi phạm mới về đất đai; 100% địa phương hoàn thành chỉ tiêu về giải quyết các vụ việc vi phạm đất đai còn tồn đọng, trong đó vượt cao nhất là thành phố Phúc Yên và các huyện Lập Thạch, Tam Đảo.