Bất chấp Mỹ gây áp lực, Đức kiên quyết nhập dầu khí từ Nga vì lợi ích quốc gia
Quốc tế - Ngày đăng : 07:19, 24/03/2022
Áp lực từ các đối tác khác của Liên minh châu Âu lên việc Đức hưởng ứng các biện pháp trừng phạt năng lượng mạnh hơn đối với Nga đang không có tác dụng. Ít nhất là bây giờ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn kiên quyết trong quyết định không chịu từ bỏ ngay nguồn cung cấp năng lượng từ Moscow. Đức không đủ khả năng xoay sở, Scholz khẳng định hôm 23.3 trước quốc hội. Ông nói thêm, nền kinh tế Đức có thể đi vào suy thoái và điều đó "không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai".
Thủ tướng nhắc lại, trong phiên họp đầu tiên dành riêng cho đề tài ngân sách, rằng các lệnh trừng phạt không nên "khiến các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều hơn các nhà lãnh đạo Nga". Trước đó, các nước đồng minh châu Âu và đặc biệt là Mỹ hối thúc Đức phải cắt đứt việc nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Liên minh châu Âu đang xem xét đưa lĩnh vực năng lượng vào lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng muốn đảm bảo rằng bước đi này không phá vỡ sự đoàn kết sắt son mà các nước thành viên đã duy trì kể từ khi Nga tiến quân vào Ukraine ngày 24.2. Đức và các nước phụ thuộc nhiều vào hydrocacbon của Nga cho rằng nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu việc nhập khẩu khí đốt hoặc dầu bị cấm. Hiện 55% khí đốt cung cấp cho ngành công nghiệp và sưởi ấm của Đức đến từ Nga. Ngoài ra một phần ba dầu Đức nhập cũng từ Nga.
Chính phủ Đức mặc dù tỏ quyết tâm đẩy nhanh sự thay đổi căn bản trong chính sách năng lượng để chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga, nhưng ông Scholz nhắc lại rằng đó không phải là nhiệm vụ có thể thực hiện trong "một sớm một chiều".
Thủ tướng Đức tuyên bố rằng các cảng để bốc dỡ khí đốt tự nhiên hóa lỏng để thay thế khí đốt được cấp theo đường từ Nga sẽ được xây dựng "nhanh hơn nhiều so với trước đây". Điều này liên quan đến nhiều thủ tục hành chính và quy trình ở Đức nên không thể gấp gáp. Đức đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục để chế tạo các tuabin gió và điện mặt trời để tránh sự chờ đợi lâu dài mà các dự án này đã bị ngâm bấy lâu.