Thế khó của EU

Quốc tế - Ngày đăng : 13:28, 13/03/2022

Cái EU cần chỉ là quyết tâm chính trị.

Khép lại hội nghị hai ngày tại Cung điện Versailles (Pháp), nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được đồng thuận nhưng ít tính cụ thể về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như lời giải cho bài toán tăng cường tự chủ chiến lược.

eu.jpg
Các nhà lãnh đạo EU chụp ảnh chung trước cuộc họp Hội đồng châu Âu tại Versailles, Pháp, ngày 10.3.2022 - Ảnh: THX/ TTXVN

Cách đây gần 5 năm, tại Cung điện Versailles, Tổng thống mới đắc cử Pháp Emmanuel Macron đã đón tiếp trọng thể Tổng thống Nga Vladimir Putin với hy vọng tái khởi động quan hệ giữa phương Tây với Nga, khi đó đang ở mức rất thấp sau khi Moskva sáp nhập trở lại bán đảo Crimea. Trớ trêu lịch sử, khi gần kết thúc nhiệm kỳ, nhà lãnh đạo Pháp lại chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của EU bàn giải pháp đối phó với chính nước Nga.

Sau Chiến tranh Lạnh, thậm chí từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ EU phải đối mặt với thách thức an ninh lớn như hiện nay. Hàng triệu người dân tại Ukraine sơ tán ở các nước láng giềng và cấu trúc an ninh châu Âu bị phá vỡ. Cho đến nay EU và phương Tây nói chung vẫn cố gắng tránh bị kéo tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Không nằm ngoài dự báo, việc Ukraine đề nghị gia nhập EU đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy vậy, nước này đã nhận được những cam kết quan trọng, theo đó EU khẳng định Ukraine “thuộc về đại gia đình châu Âu”, để ngỏ cánh cửa cho triển vọng kết nạp trong tương lai. EU cũng tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine lên một tỷ euro.

Lẽ ra, hội nghị thượng đỉnh tại Versailles sẽ thảo luận vấn đề lớn là tìm kiếm một mô hình kinh tế phù hợp cho EU, trong bối cảnh châu lục vẫn chưa hoàn toàn bước ra khỏi dịch bệnh COVID-19 và đà phục hồi vẫn còn mong manh. Thế nhưng, chương trình nghị sự đã phải điều chỉnh lại hoàn toàn cho phù hợp với diễn biến thời sự. EU đã phản ứng mạnh với Nga bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt nặng nề, nhưng tất cả đã gần chạm đến giới hạn do vấp phải trở ngại tưởng như không thể vượt qua trong điều kiện hiện nay: sự phụ thuộc của “Lục địa Già” vào nguồn nhập khẩu hàng hóa chiến lược từ Nga, đặc biệt là năng lượng. EU và các nước thành viên đứng trước một bài toán hết sức phức tạp, đó là làm thế nào để cân bằng giữa việc đối phó với Nga, bảo vệ an ninh, các nguyên tắc của liên minh, đồng thời giữ cho châu Âu tránh khỏi cú sốc kinh tế-xã hội lớn. Và đây mới là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của sự kiện đặc biệt này.

“Chúng ta phải loại bỏ phụ thuộc vào khí đốt của Nga” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định. Nữ chính khách người Đức đã nhắc đến các chương trình lớn của EU, Kế hoạch “Repower EU” công bố cách đây vài ngày nhằm chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu để dần dần giảm hẳn phụ thuộc vào Nga. Đi xa hơn, trong bài phát biểu trước hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề xuất phải “loại bỏ hẳn khí đốt từ Nga”, để phát đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm hành động của EU.

Cuộc thảo luận về sự phụ thuộc vào năng lượng do Nga cung cấp, như thường lệ, làm bộc lộ khác biệt trong nội bộ EU. Các nước thành viên tiêu thụ một lượng lớn khí đốt từ người láng giềng phía Đông, điển hình là Đức, Áo, Hungary, tiếp tục phản đối việc chặn hoàn toàn nguồn cung Nga. Trước sức ép lớn từ đồng minh, Đức đã phải chấp nhận đình chỉ xem xét phê chuẩn dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng nước này khó có thể đi xa hơn. Tại Versailles, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế ảnh hưởng kinh tế cho người dân châu Âu, đồng thời cho biết sẽ chỉ tán thành EU đưa ra những biện pháp trừng phạt có mục tiêu cụ thể để gây sức ép đối với Moskva. Quan điểm này khác với một số nước Đông Âu như Ba Lan, Latvia, kêu gọi EU dừng ngay tức khắc nhập khẩu từ Nga. Thiếu đồng thuận về việc cấm vận khí đốt Nga, EU đã phải bằng lòng với việc nhất trí từng bước cắt giảm nhập khẩu. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đề xuất đến năm 2027 sẽ không cần nguồn dầu khí của Nga nữa, nhưng cũng không thể thuyết phục được tất cả các nước thành viên, giống như một đề xuất khác của EC là giảm hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu từ nay đến cuối năm.

Một câu hỏi lớn là, liệu căng thẳng trong quan hệ song phương có dẫn đến việc Nga chặn hoàn toàn đường ống khí đốt sang châu Âu hay không? Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản”. Kịch bản phức tạp tưởng chừng khó xảy ra vì mỗi ngày EU thanh toán cho Nga khoảng 420 triệu USD để mua khí đốt và gần bằng từng ấy để mua dầu, khoản tiền lớn mà Nga bù lỗ chi phí năng lượng trong nước và đóng góp vào ngân sách quốc gia. Nếu Nga tiếp tục bị cô lập, kinh tế đất nước bị đẩy vào tình trạng khó khăn gay gắt vì chính sách cấm vận của phương Tây, thì những phản ứng khó hình dung như vậy không thể loại trừ.

Trong khi chờ đợi các chính sách đột phá - hội nghị Versailles chưa quyết những biện pháp chi tiết - EU bắt đầu bằng những các bước đi “dễ” nhằm củng cố sức chống đỡ của hệ thống năng lượng trước nguy cơ từ bên ngoài. Theo các đề xuất mới, EU sẽ tích lũy khí đốt đến mức 90% của mạng lưới kho dự trữ vào thời điểm đầu tháng 10 hằng năm. Hiện nay, dự trữ khí đốt của EU chỉ đạt 26% năng lực, trong khi giá khí đốt trên thị trường quốc tế đang ở mức rất cao, lên đến 212 euro/MWh, kỷ lục lịch sử và tăng đến 230% so với hồi đầu năm. Lượng khí đốt từ Nga vẫn chảy đều đặn sang châu Âu từ khi nổ ra cuộc xung đột nhưng Moskva cảnh báo có thể buộc phải khóa một đường ống lớn do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Độc lập năng lượng mới chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh rộng lớn về những hạn chế của EU mà cuộc khủng hoảng Ukraine đã chiếu một luồng sáng mạnh khiến nó nổi bật lên. Lớp sơn về sự thịnh vượng kinh tế đã không thể che phủ một thực tế, EU rất phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài. Không chỉ về năng lượng, mà cả quân sự, nông nghiệp, sản phẩm bán dẫn. Bắt đầu là quân sự, theo đề xuất của Tổng thống Pháp Macron, người luôn coi việc xây dựng tự chủ chiến lược cho EU là một ưu tiên trong nhiệm kỳ sắp kết thúc. Pháp đã muốn tranh thủ những động lực tạo ra từ bất ổn tại châu Âu để thúc đẩy các ý tưởng của mình. Chỉ một thời gian ngắn trước, sự hăng hái của Pháp vẫn còn vấp phải thái độ e dè của nhiều nước vì lo ngại sự hội nhập về quốc phòng của EU sẽ chồng chéo với nhiệm vụ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng đến nay, ngay cả những nước vốn do dự nhất như Đức hay theo đuổi đường lối trung lập như Thụy Điển đều bày tỏ sự ủng hộ nhất định.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng “đáng kể ngân sách quốc phòng” để đáp ứng những nhu cầu của môi trường an ninh mới. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, EU sẽ tiếp tục nghiên cứu trong vài tuần nữa và thực hiện chủ trương này một cách phối hợp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của NATO đối với an ninh châu Âu. EU dự kiến vào ngày 25/3 sẽ công bố Định hướng chiến lược (Strategic Compass), trong đó xác định những mối đe dọa và chiến lược của khối từ nay đến năm 2030. Chưa rõ cuộc xung đột Ukraine có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch.

Không có gì ngạc nhiên, an ninh lương thực cũng được đề cập tại cuộc gặp Versailles, vì một lý do dễ hiểu: Ukraine và Nga là những vựa lúa mì của châu Âu và thế giới. Dự kiến, thị trường nông sản châu Âu có thể sẽ bị xáo trộn mạnh từ nay đến cuối năm, vì sản lượng lúa mì Ukraine sẽ giảm mạnh. Trong tuyên bố bế mạc, các nhà lãnh đạo EU cam kết sẽ cắt giảm phụ thuộc vào nước ngoài một số mặt hàng nông sản then chốt, bằng cách tăng sản lượng nội địa. EC được giao trách nhiệm lập danh mục các biện pháp để đối phó với nguy cơ tăng giá nông sản, còn các nước có nền nông nghiệp phát triển sẽ phải hợp tác đối phó với tình trạng đầu cơ, nhất là nguồn hàng dành cho các nước đang phát triển cũng bị phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hội nghị Versailles là cơ hội để các nhà lãnh đạo EU nhìn thẳng vào những vấn đề cơ bản đang ngăn cản liên minh vươn lên thành một nhân tố quốc tế độc lập và có tầm ảnh hưởng thực sự. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến cho cả châu Âu tỉnh giấc và nhận thức được những hạn chế của mình, nhờ đó các nước thành viên nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về hàng loạt chủ trương quan trọng. Phải mất khá nhiều thời gian nữa, EU mới có thể biến những động lực này thành chính sách cụ thể. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy rằng, sau một cuộc khủng hoảng, EU lại chậm rãi tiến về phía trước trên con đường hội nhập. “EU đã thay đổi do tác động của dịch bệnh, và sẽ thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn do tác động của chiến tranh” - Tổng thống Macron dự báo. Với tiềm lực kinh tế, công nghệ, EU có điều kiện để đạt mục tiêu của mình. Cái EU cần chỉ là quyết tâm chính trị.

Theo TTXVN