Số ca tử vong vì COVID-19 có thể lên đến 18,2 triệu người, gấp 3 lần số liệu thống kê chính thức
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:59, 11/03/2022
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khoảng 18,2 triệu người có thể đã chết vì COVID-19 trong hai năm đầu tiên của đại dịch. Con số này được tìm thấy trong ước tính toàn cầu đầu tiên được đánh giá ngang hàng về số ca tử vong quá mức. Các nhà nghiên cứu chỉ ra sự thiếu thử nghiệm và dữ liệu tử vong không đáng tin cậy đã dẫn đến sự khác biệt của số liệu thống kê chính thức với hơn 6 triệu ca tử vong.
Christopher JL Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ), nơi nghiên cứu được thực hiện, cho biết: “Ở cấp độ toàn cầu, đây là cú sốc tử vong lớn nhất kể từ sau dịch cúm Tây Ban Nha. COVID-19 đã làm tăng 17% số ca tử vong trên toàn thế giới". Đại dịch cúm Tây Ban Nha bắt đầu vào năm 1918 và đã giết chết ít nhất 50 triệu người.
Các phát hiện được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet , tập trung vào những trường hợp tử vong quá mức để tránh tính toán thiếu và đánh giá mức độ tàn phá của đại dịch COVID-19. Trong khi các trường hợp tử vong tiếp tục tăng lên, các nhà khoa học đã so sánh tỷ lệ tử vong trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 - 31.12.2021 với dữ liệu so sánh của những năm trước đó.
Các nhà nghiên cứu cho biết bằng chứng cho thấy tỷ lệ tử vong tăng cao là kết quả của sự ảnh hưởng trực tiếp từ COVID-19. Nhưng một số trường hợp tử vong cũng có thể xảy ra gián tiếp, họ nói, do người dân không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thiết yếu khác trong thời kỳ đại dịch, hoặc do thay đổi hành vi dẫn đến tự tử hoặc lạm dụng ma túy.
“Các nghiên cứu từ một số quốc gia bao gồm Thụy Điển và Hà Lan, cho thấy COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp của hầu hết các trường hợp tử vong”, Haidong Wang, Phó giáo sư khoa học đo lường sức khỏe tại viện có trụ sở tại Seattle (Mỹ), cho biết.
"Thống kê được số người chết thực sự do đại dịch là rất quan trọng để đưa ra quyết định về sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả", Haidong Wang nói.
Jennifer Ellis, người đứng đầu chương trình Dữ liệu cho Sức khỏe tại Bloomberg Philanthropies làm việc với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để tăng cường thu thập thông tin, cho biết cải thiện dữ liệu về số ca tử vong có thể giúp các chính phủ có bức tranh rõ ràng hơn để đưa ra các biện pháp tốt hơn để bảo vệ người dân của họ.
Ellis nói: “Đại dịch đã nói rõ rằng việc theo dõi có bao nhiêu người chết và lý do của những cái chết đó là điều cần thiết để các chính phủ xây dựng các chính sách tốt hơn để cải thiện sức khỏe của người dân".
Cho đến nay, chỉ có 36 quốc gia công bố dữ liệu về nguyên nhân tử vong trong năm 2020. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu hàng tuần hoặc hàng tháng về số ca tử vong do mọi nguyên nhân trong hai năm qua và 11 năm trước ở 74 quốc gia và 266 tiểu bang và tỉnh thông qua tìm kiếm trên các trang web của chính phủ, cơ sở dữ liệu tử vong và Văn phòng Thống kê Châu Âu.
Một mô hình thống kê đã được sử dụng để dự đoán số ca tử vong vượt mức ở các quốc gia không báo cáo dữ liệu hàng tuần hoặc hàng tháng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy số ca tử vong thực tế cao gấp 9,5 lần so với báo cáo ở Nam Á và 14,2 lần ở khu vực cận Sahara, châu Phi.
Do dân số đông nên chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm khoảng 22%, tương đương 4,1 triệu người trong tổng số ca tử vong toàn cầu. Mỹ và Nga có tỷ lệ cao nhất tiếp theo với 1,1 triệu người mỗi nước, tiếp theo là Mexico, Brazil và Indonesia.
Cuối cùng, các nhà khoa học ước tính cứ 100.000 người trên thế giới thì có tới 120 trường hợp tử vong. Nghiên cứu cho thấy 21 quốc gia có tỷ lệ tử vong ước tính cao hơn 300 trên 100.000 người, dẫn đầu là Bolivia và Bulgaria.
Việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách kết hợp các biện pháp phòng dịch khác đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, làm giảm tỷ lệ tử vong ở một số quốc gia. Những nơi có tỷ lệ tử vong vượt mức ước tính thấp nhất là Iceland, Australia, Singapore và New Zealand.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ béo phì và tuổi già trong dân số là hai trong những yếu tố quyết định lớn nhất đến tỷ lệ tử vong quá mức.
Murray nói: “Các quốc gia có tỷ lệ béo phì cao thực sự có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều. Và tuổi tác cũng là một yếu tố gây nguy cơ tử vong cao khi nhiễm COVID-19 nên không có gì ngạc nhiên khi các các nước có dân số già hoá cao ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Âu có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều”.