McDonald's, PepsiCo và chủ Uniqlo ở lại Nga khi Netflix tháo chạy, TikTok dừng tải video

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:35, 07/03/2022

Tập đoàn Fast Retailing, công ty mẹ của hãng thời trang Uniqlo, sẽ tiếp tục mở các cửa hàng ở Nga.

Fast Retailing (Nhật Bản) tham gia vào một nhóm nhỏ các công ty quốc tế đang trụ lại Nga ngay cả khi hàng chục thương hiệu lớn tạm ngừng hoạt động hoặc rời khỏi nước này sau cuộc tấn công Ukraine.

Áp lực chính trị gia tăng khiến nhiều công ty ngừng kinh doanh ở Nga, trong khi việc hoạt động cũng trở nên phức tạp do các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến mọi thứ, từ hệ thống thanh toán toàn cầu đến một loạt sản phẩm công nghệ cao.

Các chủ hàng lớn đã tạm ngừng các tuyến vận chuyển container đến và đi từ Nga. Nhiều công ty phương Tây từ Nike (thời trang thể thao), Ikea (đồ nội thất gia đình) đến các công ty chuyên về năng lượng như BP và Shell đã đóng cửa hàng hoặc thông báo kế hoạch rời khỏi nước này.

"Quần áo là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Người dân Nga có quyền sống như chúng ta", Giám đốc điều hành Fast Retailing - Tadashi Yanai cho biết trong bài phát biểu được trang Nikkei đưa tin, đồng thời nói thêm rằng mọi quốc gia nên phản đối chiến tranh.

Một phát ngôn viên nói với Reuters rằng Fast Retailing không thấy tác động đáng kể nào đến chuỗi cung ứng hoặc hậu cần của mình ở Nga, nơi Uniqlo có 49 cửa hàng.

mcdonalds-pepsico-chu-uniqlo-o-lai-nga-1.jpg
Fast Retailing nằm trong số nhỏ các công ty tiếp tục ở lại Nga

Ngược lại, hãng quần áo Levi Strauss & Co (Mỹ) đã đình chỉ các hoạt động tại Nga, bao gồm cả bất kỳ khoản đầu tư mới nào. Động thái này được đưa ra sau khi hãng truyền thông khổng lồ Netflix (Mỹ), công ty thẻ tín dụng American Express (Mỹ) và 3 công ty kế toán Big Four KPMG, EY, PwC cắt đứt quan hệ với Nga.

Hợp tác xã sữa Arla Foods (Thụy Điển), nhà sản xuất sữa chua Danone (Pháp) và tập đoàn hóa chất Solvay (Bỉ) cũng đình chỉ hoạt động hoặc đầu tư vào Nga. Trong khi hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời nhà sản xuất ô tô Nissan (Nhật Bản) cho biết họ sẽ ngừng sản xuất tại nhà máy ở thành phố St Petersburg.

Tuần trước, Nissan thông báo đã ngừng xuất khẩu ô tô sang Nga, cùng các công ty cùng ngành như General Motors Co (Mỹ) và Volvo Cars (Thụy Điển).

McDonald's Corp và PepsiCo (Mỹ) tiếp tục hoạt động ở Nga khiến quỹ hưu trí của bang New York (Mỹ) - một cổ đông trong hai công ty này - thúc giục họ xem xét tạm dừng hoạt động tại nước này.

Nga đã công bố các "hành lang nhân đạo" mới hôm 7.3 để những người Ukraine bị mắc kẹt dưới sự bắn phá của họ di chuyển đến chính nước Nga và đồng minh của họ là Belarus, một động thái ngay lập tức bị Ukraine tố cáo là hành động thiếu đạo đức.

Nga gọi chiến dịch tấn công Ukraine vào ngày 24.2 là "hoạt động quân sự đặc biệt", phủ nhận việc tấn công các khu vực dân sự và nói rằng họ không có kế hoạch chiếm đóng nước này.

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký luật truyền thông mới vào ngày 4.3, TikTok, ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), cho biết sẽ tạm ngừng phát trực tiếp và tải video lên nền tảng của mình ở Nga.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạm ngừng phát trực tiếp và nội dung mới với dịch vụ video của chúng tôi trong khi xem xét các tác động an toàn từ luật này", TikTok cho biết trong một loạt các bài đăng trên Twitter hôm 6.3.

Nhiều công ty đã lên án mạnh mẽ hành động của Nga khi đình chỉ các dịch vụ tại nước này.

"Trước cuộc tấn công phi lý, liên tục của Nga nhắm vào người dân Ukraine, American Express đang tạm ngừng mọi hoạt động tại Nga. Chúng tôi cũng đang chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh tại Belarus", hãng này cho biết trên trang web của mình.

American Express theo sau các đối tác của Mỹ là Visa và Mastercard đã thông báo tạm ngừng các hoạt động tại Nga vào hôm trước, cũng như công ty thanh toán PayPal Holdings.

American Express nói các thẻ phát hành toàn cầu của họ sẽ không còn hoạt động ở Nga tại các cửa hàng bán lẻ hoặc tại các máy ATM. Ngoài ra, thẻ do các ngân hàng Nga phát hành tại Nga sẽ không còn hoạt động bên ngoài nước này trên mạng lưới của American Express.

American Express cho biết đã đình chỉ các mối quan hệ với các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế.

Trong khi người phát ngôn của Netflix thông báo: "Với tình hình thực tế, chúng tôi đã quyết định tạm dừng dịch vụ của mình ở Nga". Netflix đã tạm thời dừng tất cả các dự án mua lại và dự án trong tương lai ở Nga.

Netflix trước đó cho biết không có kế hoạch thêm các kênh do nhà nước điều hành vào dịch vụ của Nga, bất chấp quy định yêu cầu hãng phân phối các kênh do nhà nước hậu thuẫn.

KPMG, PwC và EY thông báo sẽ cắt đứt các liên kết với các hoạt động ở Nga của họ, ảnh hưởng đến hàng ngàn nhân viên.

EY cho biết có hơn 4.700 nhân viên tại Nga, một phần trong mạng lưới toàn cầu của mình trong hơn 30 năm.

KPMG thông báo các công ty ở Nga và Belarus sẽ rời khỏi mạng lưới KPMG, ảnh hưởng đến 4.500 đối tác và nhân viên.

PwC cũng cho biết PwC Nga sẽ rời khỏi mạng lưới của mình, ảnh hưởng đến 3.700 đối tác và nhân viên ở nước này.

Sơn Vân