Nhiều người tị nạn Ukraine cầu xin 'đóng cửa bầu trời'

Quốc tế - Ngày đăng : 23:04, 05/03/2022

Những người Ukraine chạy trốn vào Trung Âu cầu xin các quốc gia phương Tây thực hiện các bước đi cứng rắn hơn.

Tại ngã tư Medyka, nơi đông đúc nhất của Ba Lan, dọc theo biên giới dài khoảng 500km với Ukraine, những người tị nạn đã kêu gọi lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine - điều mà các cường quốc NATO đến nay vẫn loại trừ với lý do có nguy cơ làm leo thang cuộc xung đột bên ngoài Ukraine.

"Hãy đóng cửa bầu trời. Tôi biết rằng chúng tôi không thể gia nhập NATO nhưng ít nhất hãy đóng cửa bầu trời vì nhiều người đang chết dần chết mòn. Thật tuyệt khi cả thế giới đang theo dõi và ủng hộ chúng tôi, nhưng cuộc tấn công thực sự cần phải dừng lại", Solomiya Zdryko (18 tuổi, chạy trốn khỏi Lviv, miền tây Ukraine) nói.

Theo người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc - Filippo Grandi, số lượng người tị nạn có thể tăng lên 1,5 triệu người vào cuối tuần từ mức 1,3 triệu hiện tại.

Filippo Grandi nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn: “Đây là cuộc khủng hoảng tị nạn diễn biến nhanh nhất mà chúng tôi từng thấy ở châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc”.

Ba Lan, với cộng đồng khoảng 1 triệu người Ukraine, đã chấp nhận gần 800.000 người tị nạn Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu tấn công vào ngày 24.2, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Paweł Szefernaker. Hơn 106.000 người đến Ba Lan từ Ukraine trong 24 giờ qua, con số cao nhất kể từ khi cuộc chiến nổ ra.

nhung-nguoi-ti-nan-ukraine-keu-goi-my-va-nato-dong-cua-bau-troi.jpg
Bé gái trong nơi ở tạm thời dành cho người tị nạn tại ga xe lửa thuộc thị trấn Przemysl, Ba Lan, sau khi chạy khỏi Ukraine
nhung-nguoi-ti-nan-ukraine-keu-goi-my-va-nato-dong-cua-bau-troi1.jpg
Nhiều người nghỉ ngơi trong một chỗ ở tạm thời dành cho người tị nạn Ukraine tại ga xe lửa ở Przemys

Nga cho biết các lực lượng của họ đã ngừng bắn 5 giờ gần hai thành phố Ukraine bị bao vây vào ngày 5.3 để cho phép dân thường chạy qua nơi giao tranh một cách an toàn. Thế nhưng, các quan chức tại một trong hai thành phố cho biết Nga không tuân thủ đầy đủ lệnh ngừng bắn.

Nga nói cuộc tấn công Ukraine là hoạt động đặc biệt nhằm bắt giữ những cá nhân bị coi là người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm, đồng thời bác bỏ việc nhắm mục tiêu vào dân thường.

Ba Lan và các quốc gia EU khác

Hầu hết những người Ukraine trốn thoát đã đến Liên minh châu Âu (EU) ở miền đông Ba Lan, Slovakia, Hungary và miền bắc Romania.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary - Peter Szijjarto nói rằng 140.000 người đã đến đất nước của ông kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Romania, với gần 200.000 người Ukraine tị nạn, dự kiến ​​sẽ thông qua sắc lệnh vào ngày 5.3 để sử dụng quỹ đệm của chính phủ tài trợ chi phí nhà ở cho 70.000 người trung bình mỗi ngày trong 30 ngày. Thế nhưng, Romania cũng muốn EU giúp đỡ.

Bộ trưởng Nội vụ Romania - Lucian Bode nói: “Tôi đã tuyên bố rất rõ ràng rằng nỗ lực này mà Romania đang thực hiện không thể duy trì được nếu không đề nghị sự giúp đỡ của Ủy ban châu Âu thông qua các cơ chế hỗ trợ và tài chính của nó”.

Bulgaria có kế hoạch mở rộng hỗ trợ tài chính 40 lev (22,36 USD) mỗi ngày/người trong 3 tháng cho những người nộp đơn xin bảo vệ và hỗ trợ các chủ khách sạn mở cơ sở tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Khoảng 20.000 người Ukraine đã vào Bulgaria, cảnh sát biên giới nói.

Phụ nữ và trẻ em

Khi những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ có nghĩa vụ ở lại Ukraine và giúp đỡ trong việc phòng thủ, thì những người ra đi chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Các nhà chức trách và tình nguyện viên trên khắp Trung Âu đã dựng lều để cung cấp viện trợ y tế và xử lý giấy tờ tị nạn tại biên giới, trước khi giúp người dân Ukraine tìm việc làm và chỗ ở tại các thành phố lớn hơn.

Các quan chức nói nhiều người tị nạn đã có bạn bè giúp đỡ và nơi để đến, nhưng họ lo lắng rằng làn sóng người Ukraine sẽ đến thêm nữa và cần được giúp đỡ nhiều hơn.

Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Séc - Vit Rakusan ước tính 50.000 người tị nạn từ Ukraine đã đến nước này tính đến ngày 4.3. Cộng hòa Séc không có chung biên giới với Ukraine nhưng dự kiến ​​sẽ tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn.

Cộng hòa Séc đã biến Trung tâm Quốc hội của mình thành một trung tâm hỗ trợ lớn cho những người tị nạn đến thủ đô Prague, với việc thị trưởng yêu cầu các tình nguyện viên nói tiếng Ukraina giúp đỡ những người mới đến.

Ngoại trưởng Mỹ - Anthony Blinken đã có cuộc gặp tại Ba Lan hôm 5.3 với các nhà lãnh đạo nước này trước khi đi đến biên giới. Ông ca ngợi Ba Lan vì phản ứng của họ với các hành động từ Nga.

Với việc các lực lượng Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các thành phố Ukraine, một số người tị nạn nói rằng dù biết ơn sự hỗ trợ mà họ nhận được nhưng muốn các cường quốc nước ngoài làm nhiều hơn thế.

"Họ có thể làm được nhiều hơn chỉ bằng cách đóng cửa bầu trời", một người phụ nữ 33 tuổi đến từ thành phố Lviv (Ukraine) cho biết. Cô đã rơi nước mắt khi nói về những người thân trong gia đình ở lại Ukraine. “Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả các nước đã giúp đỡ Ukraine rất nhiều và tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của họ”, cô chia sẻ thêm.

Ukraine liên tục bị tấn công tên lửa, Tổng thống kêu gọi đóng cửa bầu trời

Hôm 28.2, Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky kêu gọi đã đến lúc phương Tây cân nhắc áp đặt vùng cấm bay trên toàn bộ không phận của Ukraine với các máy bay, trực thăng và tên lửa của Nga.

Ông Volodymyr Zelensky nói: "Đã đến lúc phải cân nhắc đóng cửa hoàn toàn bầu trời Ukraine với các máy bay, trực thăng và tên lửa của Nga".

Nhà lãnh đạo Ukraine không nêu cụ thể liệu ai sẽ triển khai vùng cấm bay này và làm như thế nào nhưng lời kêu gọi này được cho gửi gắm đến các nước phương Tây.

Vài giờ trước khi Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi lập một vùng cấm bay với máy bay và tên lửa Nga, người phát ngôn Lầu Năm Góc - John Kirby cho hay Mỹ không tính đến phương án này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki nói với các phóng viên rằng, áp đặt vùng cấm bay đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải điều binh sĩ tới Ukraine để chiến đấu với lực lượng của Nga.

"Triển khai lực lượng của Mỹ tới Ukraine thực thi vùng cấm bay có thể kéo theo nguy cơ xung đột trực tiếp, thậm chí một cuộc chiến tiềm tàng với Nga, điều mà chúng tôi không muốn", bà Jen Psaki nói.

Sơn Vân - Ảnh: Reuters