Kéo dài thời gian sử dụng lên 9 tháng khi 6 triệu liều vắc xin AstraZeneca gần hết hạn
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:20, 01/03/2022
Một phát ngôn viên của Bộ Y tế Indonesia nói với Reuters thông tin này hôm 1.3.
Quyết định trên nhấn mạnh những thách thức mà nhiều nước đang phát triển phải đối mặt trong các chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 chậm chạp của họ, vì vắc xin do các nước giàu tặng chỉ có thời hạn sử dụng tương đối ngắn, chỉ vài tháng hoặc thậm chí vài tuần.
Ghi nhận số ca mắc COVID-19 hàng ngày kỷ lục vào giữa tháng 2.2022 do biến thể Omicron gây ra, Indonesia đã tiêm vắc xin đầy đủ cho khoảng 53% dân số 270 triệu, so với hơn 70% ở các nước giàu hơn.
Siti Nadia Tarmizi, người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia, nói với Reuters rằng họ có 6 triệu liều vắc xin sẽ hết hạn vào cuối tháng 2.2022, nhưng chỉ 200.000 liều trong số đó hết hạn sau khi kéo dài thời gian sử dụng vắc xin AstraZeneca từ 6 tháng lên 9 tháng.
"Cơ quan thực phẩm và dược phẩm đã gia hạn thời hạn sử dụng dựa trên dữ liệu mới có sẵn về hiệu quả của nó", bà Siti Nadia Tarmizi nói.
Các vắc xin hết hạn sử dụng ở Indonesia là của Sinovac, Moderna. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã loại bỏ 1,1 triệu liều vắc xin hết hạn vào tháng 1.2022.
Theo các quan chức và tài liệu nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới, thời hạn sử dụng tương đối ngắn của vắc xin AstraZeneca đang làm phức tạp việc triển khai tới các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Đây là vấn đề nhức đầu mới nhất làm ảnh hưởng đến COVAX, dự án chia sẻ vắc xin COVID-19 toàn cầu do WHO đồng lãnh đạo nhằm mục đích tiêm chủng cho những người cần trên thế giới.
Ban đầu, các quốc gia nghèo hơn tụt hậu so với các nước giàu trong việc đảm bảo nguồn cung vắc xin COVID-19. Lý do vì các nước giàu sử dụng sức mạnh tài chính của họ để có được những liều vắc xin đầu tiên.
Khi việc sản xuất vắc xin tăng lên và các nước giàu bắt đầu cung cấp liều lượng dư thừa, một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc quản lý các lô hàng lớn, đặc biệt là ở châu Phi.
Việc từ chối các lô vắc xin có thời hạn sử dụng ngắn, cùng sự bất bình đẳng ban đầu, do dự và các rào cản khác góp phần làm cho tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở châu Phi rất thấp. Hiện chỉ có khoảng 11% người dân châu Phi tiêm vắc xin COVID-19, so với hơn 70% ở các nước giàu hơn.
Hôm 28.2, Kurniasih Mufidayati, thành viên Quốc hội Indonesia giám sát y tế, đã kêu gọi chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vắc xin COVID-19. Bà nói: “Dù vắc xin miễn phí nhưng việc tiếp nhận và phân phối đều sử dụng ngân sách nhà nước”.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - Retno Marsudi cho biết vào tháng trước sau cuộc họp với COVAX và các quan chức của WHO rằng họ "hy vọng rằng các nước nhận vắc xin có thể có thời hạn sử dụng lâu hơn".
Các nước nghèo hơn đã từ chối trên 100 triệu liều vắc xin COVID-19 do COVAX phân phối vào tháng 12.2021, chủ yếu là do ngày hết hạn nhanh chóng, theo một quan chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc).
Các quan chức nói gần 3 triệu liều vắc xin COVID-19 cũng bị các quốc gia châu Phi loại bỏ, dẫn đến việc họ kêu gọi thời hạn sử dụng lâu hơn cho những mũi tiêm được tặng.
AstraZeneca, nhà cung cấp vắc xin COVID-19 lớn thứ hai cho COVAX sau Pfizer, nói kể từ khi bắt đầu triển khai toàn cầu, hơn 250 triệu sản phẩm của họ đã rời khỏi các nhà máy trong vòng chưa đầy 2 tháng rưỡi trước khi hết hạn.
Thời hạn sử dụng ngắn thường không phải là vấn đề với nước giàu có chuyên môn và cơ sở hạ tầng. Ngược lại, điều đó là trở ngại cho các nghèo.
Người phát ngôn của AstraZeneca cho biết vắc xin phải trải qua các cuộc kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng và chỉ ra rằng công ty này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêm vắc xin COVID-19 ở các nước nghèo hơn. Với sự đóng góp từ các nước giàu, nhiều liều vắc xin AstraZeneca đã được COVAX phân phối nhiều hơn bất kỳ loại nào khác.
Người phát ngôn nói: “AstraZeneca đã cung cấp hơn 2,6 tỉ liều vắc xin COVID-19 trên toàn cầu, khoảng 2/3 trong số đó được phân phối cho các nước có thu nhập trung bình và thấp”.
Khối lượng vắc xin COVID-19 được giao nhiều hơn rất nhiều so với liều lượng bị lãng phí, nhưng tổn thất về cơ bản là một phần bởi áp lực thời gian. Điều này khiến các liều vắc xin của AstraZeneca bị từ chối ngay cả trước khi được xuất xưởng.
Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), tổ chức phi lợi nhuận đồng điều hành COVAX cùng WHO, cho biết chỉ tính đến các liều vắc xin COVID-19 được tặng, chiếm gần 1 tỉ liều do COVAX phân phối, khoảng 30 triệu liều AstraZeneca đã bị từ chối hoặc hoãn lại vào năm ngoái bởi các nước nghèo. Con số đó chiếm 1/4 số vắc xin AstraZeneca được tặng thông qua COVAX.
Theo Reuters, hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca do EU chia sẻ vẫn chưa được phân phối. EU là nhà tài trợ vắc xin COVID-19 lớn nhất của COVAX.
Vấn đề chính là thời hạn sử dụng vắc xin AstraZeneca chỉ trong 6 tháng kể từ ngày đóng chai, ngắn nhất trong số các nhà cung cấp hàng đầu cho COVAX. Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng của AstraZeneca đôi khi có thể mất hàng tháng.
Hệ thống phức tạp của COVAX chỉ định liều vắc xin COVID-19 cho các nước và yêu cầu của các nhà tài trợ phân phối chúng đến các quốc gia được chọn, thường ăn sâu vào vòng đời ngắn của vắc xin, đôi khi chỉ còn vài tuần trước khi hết hạn.
Việc kiểm tra chất lượng được thực hiện bởi tất cả nhà sản xuất vắc xin COVID-19, nhưng hạn chế về thời gian không phải là vấn đề với các nhà cung cấp hàng đầu khác của COVAX. Vắc xin Johnson & Johnson có tuổi thọ 2 năm khi đông lạnh, vắc xin Pfizer là 9 tháng và Moderna là 7 tháng, theo hướng dẫn bảo quản đã được WHO phê duyệt.
Một số quốc gia châu Phi đã cảnh báo trong tài liệu của WHO, hàng triệu liều vắc xin Moderna và Pfizer cũng có thể bị lãng phí, với vấn đề thường liên quan đến việc hấp thu vắc xin thấp và không đủ thiết bị dây chuyền lạnh để phân phối ở vùng sâu vùng xa.
Khuyến khích AstraZeneca gia hạn thời gian sử dụng
GAVI đã khuyến khích AstraZeneca nộp đơn lên WHO để gia hạn thêm ngày hết hạn sử dụng vắc xin COVID-19, nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa dẫn đến việc nộp đơn chính thức. AstraZeneca cho biết quá trình này rất phức tạp do mạng lưới rộng lớn của các công ty sản xuất vắc xin trên toàn cầu.
Một trong những đối tác sản xuất của AstraZeneca, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã được WHO cấp phép cho thời hạn sử dụng vắc xin này là 9 tháng thay vì 6 tháng như ban đầu. Thế nhưng, các lô khác do AstraZeneca sản xuất ở các nước còn lại trên thế giới vẫn chỉ có 6 tháng.
"Chúng tôi đang thảo luận với WHO nhưng đây là một nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi dữ liệu phải được thu thập từ khắp mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi", phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết.
Người phát ngôn của WHO không bình luận về cuộc đàm phán với AstraZeneca.
Trung bình, các nước châu Phi đã sử dụng 2/3 số liều vắc xin COVID-19 đã nhận, nhưng con số này giảm xuống còn 11% ở Burundi và 15% tại Congo. Trong khi các nước lớn khác, bao gồm Madagascar, Zambia, Somalia và Uganda, chỉ sử dụng khoảng 1/3 số liều vắc xin COVID-19 đã nhận, trích dẫn các số liệu từ cuối tháng 1.2022 từ GAVI.
GAVI nói tổng tỷ lệ lãng phí là khoảng 0,3% số liều vắc xin COVID-19 được phân phối vào giữa tháng 12.2021. Tổ chức này từ chối chia sẻ thêm số liệu cập nhật, nhưng cho biết tỷ lệ dự kiến sẽ tăng.