Lý do cuộc chiến giữa Nga và các hãng công nghệ mạnh nhất Mỹ ngày càng leo thang
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:05, 28/02/2022
Nga tăng cường nỗ lực kiểm soát việc tường thuật được đưa ra trên các phương tiện truyền thông tin tức và nền tảng công nghệ. Trong khi công ty công nghệ lớn Mỹ là Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và Alphabet (công ty mẹ của Google) đưa ra các hạn chế với các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát ở Ukraine và trên thế giới.
Hôm 25.2, Nga cho biết sẽ hạn chế một phần Facebook, một động thái mà Meta Platforms cho biết được đưa ra sau khi họ từ chối yêu cầu từ chính phủ ngừng kiểm tra thông tin độc lập của một số cơ quan truyền thông nhà nước Nga.
Cơ quan Giám sát truyền thông Liên bang Nga (Roskomnadzor) cho biết Facebook đã phớt lờ yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế với 4 hãng truyền thông Nga gồm hãng thông tấn RIA, Zvezda TV của Bộ Quốc phòng, trang gazeta.ru và lenta.ru.
Đến ngày 26.2, Twitter cũng cho biết dịch vụ của họ đang bị hạn chế với một số người dùng Nga.
Theo nhiều người dùng, hình ảnh và video tải chậm hơn trên Facebook sau khi tình trạng hạn chế được công bố, còn Facebook Messenger đã có thời gian dài không tải. Trên các thiết bị di động, Twitter vẫn chậm chạp nhưng không phải lần đầu tiên như vậy vì trước đây Nga từng trừng phạt công ty mạng xã hội Mỹ vì không tuân thủ việc xóa nội dung. Nhiều trang web của chính phủ Nga, gồm cả trang kremlin.ru của Điện Kremlin, ngừng hoạt động những ngày gần đây sau khi bị nhóm hacker Anonymous tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).
Các công ty công nghệ lớn đang rơi vào cảnh bế tắc ở Nga, nơi các nền tảng có nguy cơ gặp phải hạn chế do chính phủ áp đặt trong nước nếu không tìm cách kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến và bảo vệ các phương tiện truyền thông nhà nước.
Các nền tảng xã hội, video và phát trực tiếp lớn từ Facebook đến TikTok và Twitch đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chống lại tin giả liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả việc lan truyền các cảnh quay gây hiểu lầm.
Sắp đến thời hạn Nga yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước ngoài phải tuân thủ luật mới là phải thiết lập cơ quan đại diện chính thức ở nước này, giúp Điện Kremlin quản lý các nền tảng dễ dàng hơn. Động thái này theo sau một loạt các khoản phạt và làm chậm các nền tảng vì không xóa nội dung “bất hợp pháp” theo lệnh của Nga.
Trước thời hạn vào tháng 3.2022, danh sách trực tuyến của Roskomnadzor cho thấy chỉ có Apple, Spotify và Viber đáp ứng cả ba yêu cầu về luật. Đó là đăng ký tài khoản với cơ quan quản lý, cung cấp cho người dùng cách liên lạc trực tiếp với công ty và thiết lập văn phòng đại diện.
Trong tháng 2.2022, Nga đã đe dọa sẽ cấm các công ty quảng cáo nếu không tuân thủ. Các hạn chế khắc nghiệt hơn có thể gồm giảm tốc độ hoặc chặn hoàn toàn, các quan chức Nga cho biết.
Các công ty công nghệ lớn cũng phải đối mặt với gánh nặng về yêu cầu từ các quan chức Ukraine và những lời kêu gọi trục xuất người dùng Nga khỏi dịch vụ của họ để ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch, đồng thời bảo vệ quyền truy cập của những người bất đồng chính kiến vào các công cụ kỹ thuật số quan trọng. Trong đó, Phó thủ tướng Ukraine - Mykhailo Fedorov đã đề nghị Mark Zuckerberg cấm việc truy cập Facebook và Instragram từ Nga.
Đáp lại lời đề nghị, Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms, tweet rằng việc tắt Facebook và Instagram ở Nga sẽ "làm im lặng cách biểu lộ quan trọng vào một thời điểm quan trọng".
Những công ty công nghệ khác cũng đang phải vật lộn với tình huống khó xử tương tự. Chỉ vài phút sau khi nói rằng Telegram sẽ xem xét hạn chế một số kênh truyền bá thông tin sai lệch, người sáng lập công ty - Pavel Durov cho biết sẽ không làm như vậy nữa sau khi nhận được phản hồi từ người dùng.
Những hạn chế
Các hoạt động của các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát như RT và Sputnik, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới từ Liên minh châu Âu (EU) hôm 27.2, là nguồn gốc chính của xung đột giữa Nga và các nền tảng công nghệ lớn.
Roskomnadzor đã cảnh báo truyền thông địa phương không lưu hành "thông tin sai lệch" về hoạt động quân sự của Nga, cấm sử dụng các từ nhạy cảm để mô tả cuộc tấn công vào Ukraine.
Gã khổng lồ công nghệ Yandex (Nga) cũng bắt đầu cảnh báo những người dùng Nga đang tìm kiếm tin tức về Ukraine trên công cụ tìm kiếm của họ về những thông tin không đáng tin cậy trên internet.
Nga gọi các hành động của mình là "hoạt động đặc biệt" không phải chiếm lãnh thổ mà nhằm phá hủy khả năng quân sự của Ukraine và bắt giữ những cá nhân mà họ coi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm - điều mà chính phủ Ukraine và các cường quốc phương Tây cho là tuyên truyền vô căn cứ.
Phương tiện truyền thông nhà nước Nga từ lâu đã gây tranh cãi trên các nền tảng xã hội lớn. Một số mạng xã hội đã gắn cờ các tài khoản truyền thông nhà nước Nga trong nỗ lực minh bạch hơn về nguồn thông tin.
Trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, Facebook, Twitter, Google cùng YouTube đã thực hiện các biện pháp mới để hạn chế phương tiện truyền thông nhà nước Nga kiếm tiền từ quảng cáo trên các trang web của họ. Twitter cho biết đang tạm dừng tất cả các quảng cáo ở Nga và Ukraine để đảm bảo khả năng hiển thị của thông tin an toàn công cộng. Google, nhà bán quảng cáo lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố không cho phép truyền thông nhà nước Nga bán quảng cáo bằng các công cụ của mình.
Facebook và Google đã hạn chế quyền truy cập vào một số tài khoản truyền thông nhà nước Nga ở Ukraine theo yêu cầu từ chính phủ nước này. Hôm 27.2, Google đã cấm tải xuống ứng dụng di động RT ở Ukraine theo yêu cầu pháp lý từ chính phủ nước này.
Hôm 26.2, YouTube đã cấm RT và các kênh khác của Nga kiếm tiền từ các quảng cáo bằng video, một động thái tương tự của Facebook.
Trích dẫn "các trường hợp bất thường", YouTube cho biết đang "tạm dừng khả năng kiếm tiền trên YouTube của một số kênh, bao gồm một số kênh của Nga có liên quan đến các lệnh trừng phạt gần đây". Vị trí đặt quảng cáo phần lớn do YouTube kiểm soát.
EU hôm 23.2 đã công bố các biện pháp trừng phạt với các cá nhân, gồm cả Margarita Simonyan, người mà họ mô tả là Tổng biên tập RT và là "nhân vật trung tâm của hoạt động tuyên truyền của Nga".
Farshad Shadloo, người phát ngôn của YouTube, cho biết các video từ các kênh bị ảnh hưởng cũng ít xuất hiện hơn trong các đề xuất.
Hôm 25.2, Meta Platforms, chủ sở hữu của Facebook, đã cấm các phương tiện truyền thông nhà nước Nga chạy quảng cáo hoặc tạo doanh thu từ quảng cáo trên các dịch vụ của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Khi phương Tây bắt đầu chú ý đến các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Nga và áp lực gia tăng để chống lại thông tin sai lệch trực tuyến, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến giữa Nga và các công ty công nghệ mạnh nhất có thể sẽ leo thang.