Học sinh lớp 1 đến lớp 6 ngoại thành Hà Nội dừng học trực tiếp từ 28.2
Giáo dục - Ngày đăng : 18:51, 27/02/2022
Theo đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã của Hà Nội sẽ chuyển học trực tuyến từ ngày 28.2 đến khi có thông báo mới. UBND thành phố giao Sở GD-ĐT phối hợp với đơn vị cập nhật tình hình phòng chống dịch COVID-19 đồng thời hướng dẫn các địa phương, các trường linh hoạt chuyển trạng thái học tập từ trực tiếp sang trực tuyến bảo đảm không làm gián đoạn việc dạy và học của học sinh, giáo viên.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tuần qua, số học sinh đi học trực tiếp giảm. Khối THPT giảm từ tỷ lệ trên 90% những ngày đầu xuống còn trên 75%. Khối THCS còn hơn 77 % đến trường, học sinh tiểu học ở ngoại thành còn 79%. Nguyên nhân do số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội liên tục tăng cao, hàng nghìn học sinh, giáo viên trở thành F0. Nhiều phụ huynh không yên tâm nên cho con ở nhà học trực tuyến. Nhiều trường, số lượng F0, F1 chiếm hơn một nửa, buộc ban giám hiệu phải cho những lớp này chuyển sang học trực tuyến 100%. Nhiều hiệu trưởng cho biết đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có khi phải xoay xở, tổ chức học trực tiếp khi không đủ giáo viên.
Ngày 23.2, Sở GD-ĐT dự kiến đề xuất với thành phố cho học sinh lớp 1 đến 6 nội thành trở lại trường vào tháng 3. Theo kế hoạch cũ, cấp tiểu học và lớp 6 nội thành Hà Nội được trở lại trường từ 21.2. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt và tỷ lệ phụ huynh đồng thuận chưa cao, UBND thành phố đã quyết định hoãn học trực tiếp với 400.000 học sinh lớp 1-6 ở 12 quận nội thành.
Trước đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị ngoại thành học trực tiếp từ 10.2. Còn ở 12 quận nội thành vẫn tiếp tục học trực tuyến, theo quyết định của UBND thành phố. Học sinh từ lớp 7 đến 12 ở Hà Nội đã học trực tiếp kể từ 8.2.
Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết sau khoảng thời gian gần 10 ngày cho học sinh tới trường, nhà trường đã có 428 F0 và 459 F1 là học sinh, cùng rất nhiều thày cô nhiễm bệnh. “Tình trạng này sẽ không dừng nếu tiếp tục đi học”, bà Dương nói và cho rằng nên giao quyền chủ động cho các trường tự quyết việc đi học trở lại khi đủ điều kiện hoặc tiếp tục học online đến khi đủ điều kiện an toàn. Việc mở cửa trở lại học trực tiếp phải được các trường hết sức cân nhắc, vì khi xuất hiện lây nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng giáo viên đứng lớp chứ không riêng học sinh, và cả khả năng đảm bảo xử lý tình huống y tế của từng trường để khống chế, kiểm soát mức độ lây lan. Thay vì chỉ đạo đồng loạt, cơ quan quản lý chỉ nên ra các khuyến cáo để các trường làm căn cứ, trong điều kiện dịch bệnh, mục tiêu đặt ra với ngành giáo dục là làm sao đảm bảo được chương trình và chất lượng một cách tốt nhất có thể chứ không phải thực hiện kế hoạch đồng loạt đến trường hay đồng loạt ở nhà”.