Chính sách tín dụng kịp thời sẽ giúp ngành nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu phát triển mạnh
Sự kiện - Ngày đăng : 19:41, 20/02/2022
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg so với cuối năm 2021. Giá cá tra nguyên liệu lên đến 25.000-26.0000 đồng/kg, loại trên 1 kg. Cá tra thịt trắng, loại 0,9-1 kg, giá tăng lên 27.000-29.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, người nuôi đã có lãi nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những người nuôi cá tra nhỏ lẻ phần lớn bị kiệt quệ, do thua lỗ triền miên, do ảnh hưởng COVID-19 cùng nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy, tuy giá cá tra tăng, nhưng một số người nuôi cá tra hưởng lợi khi giá tăng không nhiều.
Trong quý I, dự báo nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo Hiệp hội cá tra Việt Nam, có những nguyên nhân làm cho giá cá tra tăng cao như nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu có nguy cơ thiếu trầm trọng. Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới sản xuất cá tra nguyên liệu của Việt Nam. Có lúc nguồn cung coi như đứt gãy. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường nuôi cá tra. Giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao trong vài năm gần đây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu tăng không đáng kể.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra Việt Nam tương đương với năm 2020 với 5.700 ha. Sản lượng nuôi cá đạt gần 1,5 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm trước. Các địa phương có diện tích thả nuôi và thu hoạch cá tra lớn nhất Việt Nam vẫn là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang…
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, năm 2021, diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt trên 2.085 ha, diện tích thu hoạch 1.100 ha, sản lượng thu hoạch 457 nghìn tấn. Từ đầu năm đến giữa tháng 7.2021, các cơ sở nuôi cung cấp nguồn cá tra nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu, chế biến luôn đủ hoặc dư. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9.2021, thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến cũng như thu mua bị hạn chế nên tình hình tiêu thụ cá tra bị gián đoạn. Đến đầu tháng 10.2021, các cơ sở chế biến thủy sản đã hoạt động tương đối ổn định trở lại giúp sản lượng cá tra tồn đọng được giải quyết toàn bộ. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.180 cơ sở sản xuất, nuôi dưỡng giống cá tra. Trong năm 2021, những cơ sở này sản xuất khoảng 19.000 triệu con cá tra bột, giảm 18,4% so với năm 2020, hơn 1.100 triệu con cá tra giống, giảm 18,2% so với năm trước.
Tại An Giang, theo Chi cục Thủy sản An Giang, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh hiện đạt 1.235ha, trong đó doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi liên kết DN là 1.049ha (chiếm 87%), hộ không liên kết là 187ha, sản lượng ước 400.000-450.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, TP.Long Xuyên. Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 310.000 tấn (chiếm 84,16% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng), giảm 3.800 tấn so cùng kỳ 2020.
Sản lượng thu hoạch cá tra Việt Nam cả năm nay đạt 1,5 triệu tấn, tương đương năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra năm 2021 đạt 1,54 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Nhiều khó khăn cho người nuôi cá tra, trong năm 2021, diện tích treo ao vẫn chủ yếu tập trung vào các cơ sở nuôi không còn vốn để tái sản xuất do thua lỗ từ các vụ nuôi trước; ao bị sạt lở nặng không thể tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, giá thức ăn liên lục tăng cao, thời tiết thay đổi thất thường, nguồn con giống đạt chất lượng ngày càng khan hiếm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Trao đổi với ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, ông cho biết: “Công ty CP đầu tư & Phát triển đa quốc gia (IDI) - trực thuộc tập đoàn, chuyên sản xuất cá tra xuất khẩu của tập đoàn hiện nay tự chủ được 80% nguyên liệu chế biến. Vì vậy, chúng tôi chủ động nguồn nguyên liệu, không lo khan hiếm nguyên liệu khi cá tra sốt giá, xuất khẩu tăng như hiện nay”. Cũng theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, ngoài IDI, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Biển Đông... cũng tự chủ được nguồn nguyên liệu. Đây là bài học lớn cho DN sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam phân tích: “Khi thị trường thế giới có nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam do thiếu hụt nguồn cung thực phẩm hậu COVID-19, cá tra Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn. Các tỉnh ĐBSCL hầu hết đã trở lại trạng thái bình thường mới, sản xuất cá tra phục hồi, các nhà máy đã hoạt động từ 50-80% công suất... Đó là cơ hội lớn cho nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Cơ sở nuôi cá tra ở ĐBSCL hiện vẫn còn đầy đủ, chỉ cần đồng vốn từ chính sách tín dụng của Nhà nước đối với những người nuôi cá tra có hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung, nguồn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất cá tra xuất khẩu. Thiết nghĩ cũng không cần đến chính sách hỗ trợ lãi suất. Ngành cá tra Việt Nam hiện nay giống như một người bệnh hồi phục mạnh mẽ, cần những liều thuốc, dinh dưỡng đúng, kịp thời để trở thành một cơ thể thể vận hành khỏe mạnh".