Chống xâm lăng văn hóa, bảo hộ ngược từ các OTT xuyên biên giới
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:10, 10/02/2022
Các OTT xuyên biên giới phải được “tiền kiểm”
Hiện nay OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp nội dung dựa trên việc tận dụng internet) xuyên biên giới tự biên tập, tự phân loại phim và tự chịu trách nhiệm mà không phải qua bất kỳ khâu kiểm duyệt nào trước về nội dung.
Điều này tạo ra lo ngại các nội dung không phù hợp về văn hóa, lối sống, đi ngược với quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ được phát trên các OTT xuyên biên giới đến hàng chục triệu người thuộc mọi lứa tuổi tại Việt Nam. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT một cách toàn diện nhất.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hiện nay trong lĩnh vực OTT, hầu như là doanh nghiệp nước ngoài chưa có đại diện tại Việt Nam. Trong khi đó các dịch vụ của họ đều xuất phát ngoài lãnh thổ và thông qua internet mà cung cấp tới người dùng Việt Nam nên việc kiểm duyệt thật sự không dễ dàng.
“Chúng ta cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành nghị định mới quy định cụ thể muốn cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam đều phải thực hiện nghĩa vụ làm thủ thục xin cấp giấy phép và thực hiện một số quy định liên quan đến biên tập nội dung. Việc kiểm duyệt này là phải chặt chẽ, khách quan. Nội dung các dịch vụ này đều phải tuân thủ theo Luật Báo chí và Luật Điện ảnh và các luật liên quan. Khi nội dung của dịch vụ OTT muốn được phát hành phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, và các đài truyền hình địa phương biên tập”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng cần có quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nền tảng xuyên biên giới phải cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu không tuân thủ thì cần có chế tài để tạo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tạo sự công bằng và bảo đảm thuần phong mỹ tục, văn hóa và những lợi ích khác của Việt Nam cần được tôn trọng, bảo vệ.
Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền cho rằng giải pháp duy nhất là chúng ta phải yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình, cung cấp chương trình thể thao, giải trí, đặc biệt là chương trình giải trí - văn hóa văn nghệ từ nước ngoài qua các kênh OTT của nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn phải được kiểm duyệt, tức là chúng ta phải tiền kiểm chứ không áp dụng biện pháp hậu kiểm. Không thể chấp nhận việc luật sửa đổi đồng ý cho các đơn vị cung cấp nội dung tự đăng ký, tự kiểm duyệt nội dung.
Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về chủ trương, biện pháp, đặc biệt là các chế tài quản lý để hỗ trợ bình đẳng cho các đơn vị dịch vụ truyền hình trong nước có thể phát triển được. Và chúng ta cũng cần ngăn chặn vi phạm bằng cách lách luật của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình ở nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Cường cũng cho biết hiện nay đối với các với kênh chương trình truyền hình trong nước, phim, chương trình theo yêu cầu, kênh chương trình nước ngoài, việc đăng ký, cung cấp, biên dịch, biên tập phải tuân theo quy định tại Nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Ngược lại, đối với các đơn vị OTT nước ngoài thì lại chưa xác định rõ ràng là họ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 06, chưa quy định rõ ràng việc chương trình, phim do các đơn vị này cung cấp buộc phải có giấy phép phổ biến phim, video, clip và cũng chưa có quy định về biên tập nội dung.
“Điều này tạo ra kẽ hở để lọt những sản phẩm xấu độc, xuyên tạc, vi phạm pháp luật Việt Nam và tạo ra tình trạng “bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp nước ngoài, khiến doanh nghiệp trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không công bằng”, ông Cường nêu.
Chống xâm lăng văn hóa
Bảo vệ sự lành mạnh trên các nền tảng OTT TV cũng góp phần bảo vệ văn hóa nước nhà. Trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) từng phát biểu: “Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, là mất gốc”. Tuy nhiên, trên không gian mạng, đặc biệt với sự bùng bổ của các OTT xuyên biên giới, không khó để tìm thấy những sản phẩm không phù hợp với các giá trị văn hóa, pháp luật của Việt Nam được tự do lan truyền mạnh mẽ, ngấm ngầm làm thay đổi nhận thức, ứng xử của nhiều người Việt.
Điển hình, khán giả Việt có thể dễ dàng tiếp cận những phim tài liệu Vietnam War có nội dung xuyên tạc lịch sử; phim điện ảnh Madam Secretary có nội dung xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam; trong các phim Polar, After Porn End, 365 Days... có nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm… Những nội dung này không được biên tập để phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, từ ngữ thô tục; cho phép trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp…
Hoặc mới nhất, những loạt phim đình đám gần đây như Squid Game của Netflix cũng gặp phải sự phản đối gay gắt vì bạo lực với những cảnh giết người tràn lan, nhiều học sinh bắt đầu học theo các trò chơi trên phim.
Giám đốc Hội đồng Phụ huynh ở Mỹ yêu cầu Netflix phải nhận thức được hệ lụy khi những phân đoạn giết chóc, tư tưởng lệch lạc trong phim lan tràn mạng xã hội. Netflix nên đóng vai trò là người gác cổng để đảm bảo nội dung có hại cho trẻ vị thành niên không được phân phối trên nền tảng. Nếu không, họ sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.
Thực tế, những sản phẩm có nội dung sai lệch trên có thể khiến giới trẻ sa đà vào lối sống trụy lạc, bạo lực mà nhầm tưởng rằng đó là cá tính; hoặc tôn thờ tiền bạc và chủ nghĩa cá nhân một cách bất chấp, sẵn sàng phạm tội (cướp ngân hàng, bắt cóc, tống tiền…) để có tiền ăn chơi; khơi dậy lối suy nghĩ chỉ lo “cái tôi” mà quên đạo nghĩa. Thậm chí, nguy hiểm hơn, những sản phẩm xuyên tạc tràn lan sẽ khiến nhiều người phủ nhận lịch sử, văn hóa của dân tộc… Tất cả đó là thiệt hại nặng nề và rất khó khắc phục cho văn hóa và giáo dục nước nhà.
Do vậy, việc bảo vệ nền tảng văn hóa Việt Nam trên không gian mạng càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, bởi văn hóa là biểu tượng và dấu hiệu của một quốc gia, được tích lũy qua nhiều thế hệ.