Làm cách nào để ngủ ngon hơn khi mắc COVID-19?
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:25, 03/02/2022
Mọi cơ ở lưng, hông và chân của tôi đều đau nhức. Tôi run rẩy không kiểm soát được dù đã đắp ba chiếc chăn. Đầu tôi đau nhói, cổ họng ngứa ngáy và tôi cảm thấy vô cùng đau khổ - tình trạng nhiễm COVID-19 đột phá (tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin vẫn nhiễm SARS-CoV-2) của tôi không phải chuyện đùa. Thế nhưng, điều tồi tệ nhất là gì? Có giấc ngủ ngon dường như là điều nằm ngoài tầm với của tôi.
Tiến sĩ Heather Moday giải thích: “Dù nhiễm COVID-19 đột phá hay nhiễm SARS-CoV-2 khi chưa tiêm vắc xin thì bạn đều có thể bị gián đoạn giấc ngủ. Vấn đề là mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những người nhiễm COVID-19 đột phá có xu hướng bị các triệu chứng đau nhức, sốt, ho và mệt mỏi nhẹ hơn so với những người chưa tiêm vắc xin. Thế nhưng, những triệu chứng này có thể tồn tại ở một mức độ nào đó. Tất cả những triệu chứng này có thể khiến bạn khó có được cảm giác thoải mái và khó ngủ hơn”.
Làm cách nào để ngủ ngon hơn khi mắc COVID-19? Nếu đếm cừu không thành công, bạn hãy thử các mẹo dưới đây để có giấc ngủ ngon hơn khi mắc COVID-19.
Tắm nước nóng
Theo tiến sĩ Lucy McBride, bác sĩ khoa nội ở thủ đô Washington (Mỹ), hãy tắm nước nóng để tạo hơi nước trước khi đi ngủ. Đây là một cách tuyệt vời để "nới lỏng tắc nghẽn", bà giải thích.
Sử dụng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng
Lucy McBride cũng đề xuất kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc ho không kê đơn và thuốc hạ sốt (như ibuprofen hoặc acetaminophen), miễn là chúng không ảnh hưởng đến bất kỳ loại thuốc nào khác mà bạn đang dùng.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận với việc sử dụng thuốc thông mũi (thuốc trị nghẹt mũi) vào buổi tối “vì chúng chứa các thành phần có đặc tính kích thích và có thể khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm”, theo tiến sĩ Sonya Merrill, chuyên gia y tế về giấc ngủ của Bệnh viện Texas Health Presbyterian Dallas.
Tiến sĩ Heather Moday cho biết nên uống một lượng nhỏ melatonin trước khi đi ngủ vì nó “không chỉ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn qua đêm mà còn giúp cải thiện nhịp sinh học bằng cách chống lại hormone căng thẳng cortisol và nói với cơ thể đã đến giờ đi ngủ”.
Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu uống bất kỳ loại thuốc mới nào.
Nâng cao đầu và cổ của bạn
Sonya Merrill khuyên bạn nên ngủ với tư thế ngẩng cao đầu, để “cải thiện hơi thở và giảm chất nhầy đọng lại ở phía sau cổ họng”.
Bạn có thể làm điều này bằng cách nằm trên vài chiếc gối hoặc thêm một chiếc gối cổ thích hợp.
Uống nhiều nước, trà hoặc đồ uống có chất điện giải
Sonya Merrill đề xuất uống nước để giúp làm loãng chất nhầy, một ảnh hưởng phụ của nhiễm trùng có thể dẫn đến các vấn đề như nghẹt mũi và chảy nước mũi.
Nếu các triệu chứng bao gồm nôn mửa hoặc buồn nôn, điều đặc biệt quan trọng bạn phải làm là uống đủ nước. Heather Moday cho biết: “Bạn có thể uống nước dừa hoặc thêm một số viên điện giải, chẳng hạn nhãn hiệu Nuun, vào nước hoa quả rất loãng. Đồ uống điện giải thương mại như Pedialyte cũng tốt nhưng chứa nhiều đường hơn. Gừng có thể giúp giảm buồn nôn rất nhiều, cũng như cây thì là tây”.
Heather Moday cũng gợi ý uống mật ong và trà chanh, hoặc trà với các loại thảo mộc khử mùi (như cây du trơn và rễ cam thảo).
Dùng máy tạo độ ẩm và giữ cho phòng của bạn ở nhiệt độ thích hợp
Hãy chắc chắn rằng căn phòng của bạn là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi. Sonya Merrill khuyến nghị sử dụng máy tạo độ ẩm đặt độ ẩm từ 40% đến 50% để cải thiện hơi thở bằng mũi.
Ngoài ra, nhiệt độ phòng ngủ tối ưu để ngủ là “từ 18 đến 20 độ C vì quan trọng hơn cả là giữ cho phòng ngủ mát mẻ khi bạn bị sốt”, theo Sonya Merrill.
Cố gắng hết sức để không ngủ hoặc nằm trên giường cả ngày
Sonya Merrill nói: “Bạn có thể dành nhiều thời gian hơn bình thường trên giường vào buổi tối, vì bạn có thể cần ngủ nhiều hơn trong khi chiến đấu với vi rút SARS-CoV-2. Song tránh dành quá nhiều thời gian trên giường trong ngày và ngủ trưa dài. Những hành vi này thường khiến bạn khó ngủ hơn vào ban đêm”.
Thay vào đó, Sonya Merrill đề xuất tìm một nơi thoải mái để nghỉ ngơi trong ngày, chẳng hạn ghế tựa hoặc đi văng bên ngoài phòng ngủ của bạn và đặt hẹn giờ để đảm bảo bạn không ngủ trưa quá 30 phút.
Cách ly khi có thể để giúp bạn ngủ ngon hơn và bảo vệ người khác
Dù ngủ chung giường với ai đó có thể là tiêu chuẩn của bạn, nhưng đó có lẽ không phải là ý kiến hay khi bạn đang chiến đấu với COVID-19. Người cùng giường có thể khiến bạn tỉnh táo. Hơn nữa, bạn nên cách ly với những người khác ít nhất 5 ngày cho đến khi hết sốt trong 24 giờ mà không cần sử dụng thuốc hạ sốt và các triệu chứng đang được cải thiện.
Lucy McBride nói: “Nói chung, việc cách ly với bạn đời vẫn được khuyến nghị ở những trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá ngay cả khi họ đã được tiêm vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính. Do đặc tính dễ lây lan biến thể Omicron, họ có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 rất cao nếu bạn không làm vậy”.
Bà thừa nhận rằng khó có cách ly khỏi trẻ nhỏ: “Tôi sẽ rất khó khăn để cách ly với đứa con còn rất nhỏ của mình nếu nó mắc COVID-19. Chúng ta phải cân bằng giữa tác hại tiềm ẩn của việc nhiễm SARS-CoV-2 đột phá từ con cái - điều mà hầu hết những người được tiêm vắc xin 2 hay 3 mũi vắc xin giống cảm lạnh hoặc cúm - với tác hại của việc để một đứa trẻ bị bệnh một mình”.
Gọi cho bác sĩ nếu bạn vẫn không ngủ được
Nếu tình trạng nôn mửa khiến bạn thức cả đêm, cơn ho ngày càng gia tăng hoặc cảm thấy khó thở, Lucy McBride nói đã đến lúc bạn nên gọi cho bác sĩ.
Bà cho hay: “Ngay cả những trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá đôi khi cũng có thể gây ra viêm phổi, nên điều quan trọng là bạn phải luôn nói chuyện với bác sĩ”.