Omicron 'tàng hình' có lợi thế về lây truyền đáng kể so với phiên bản ban đầu

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:32, 29/01/2022

BA.2 dường như có lợi thế về lây truyền đáng kể so với BA.1, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết hôm 28.1.

UKHSA nói rằng tốc độ phát triển của BA.2 (biến thể Omicron “tàng hình”) tăng lên so với BA.1 (Omicron ban đầu) ở tất cả vùng nước Anh, nơi có đủ số ca mắc COVID-19 để so sánh chúng.

UKHSA khẳng định "lợi thế tăng trưởng của BA.2 hiện rõ ràng là đáng kể".

Tiến sĩ Susan Hopkins, trưởng nhóm cố vấn y tế của UKHSA, nói: “Giờ chúng tôi biết rằng BA.2 có tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng, có thể thấy ở tất cả vùng ở Anh”.

UKHSA cho biết không có dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của BA.2 so với BA.1, nhưng nhắc lại rằng đánh giá sơ bộ không tìm thấy sự khác biệt nhiều về hiệu quả vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng giữa hai biến thể Omicron này.

Sự lan truyền nhanh chóng của BA.1 đã gây ra làn sóng dịch, đẩy các ca mắc COVID-19 lên mức cao kỷ lục ở Anh vào tháng 12.2021. Omicron đã thay thế Delta trở thành biến thể thống trị nước này.

Tuy nhiên, số ca nhập viện không tăng đến mức tương tự, do khả năng miễn dịch của quần thể thông qua tiêm vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó, cũng như Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta.

Theo UKHSA, một phân tích riêng từ ngày 24.11.2021 đến ngày 19.1.2022 cho thấy phần lớn các trường hợp nhập viện chăm sóc đặc biệt do nhiễm Delta, ngay cả khi Omicron đang phát triển để chiếm ưu thế về số ca mắc COVID-19.

UKHSA cũng phát hiện ra rằng sự gia tăng các ca nhiễm Omicron trong các nhà chăm sóc không liên quan đến tăng số người nhập viện.

UKHSA cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy làn sóng dịch Omicron hiện nay không có khả năng dẫn đến sự gia tăng lớn về bệnh nặng ở những người tại nhà chăm sóc có mức độ bao phủ vắc xin và khả năng miễn dịch tự nhiên cao”, đồng thời lưu ý rằng những phát hiện này dựa trên BA.1 do số lượng ca nhiễm BA.2 trong nghiên cứu có hạn.

omicron-tang-hinh-co-loi-the-ve-lay-truyen-dang-ke-so-voi-phien-ban-ban-dau.jpg
UKHSA cho biết Omicron 'tàng hình' lây truyền nhanh hơn phiên bản ban đầu - Ảnh: Internet

Hôm 27.1, UKHSA cho biết mũi vắc xin COVID-19 thứ 3 giúp tăng khả năng chống tử vong do biến thể Omicron lên 95% ở những người từ 50 tuổi trở lên.

Theo UKHSA, khoảng 6 tháng sau khi tiêm liều thứ 2 của bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào, khả năng bảo vệ khỏi tử vong do Omicron là khoảng 60% ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên khoảng 95% trong 2 tuần sau khi nhận liều vắc xin thứ 3.

UKHSA cho hay dữ liệu cũng tiếp tục cho thấy mức độ bảo vệ cao chống lại việc nhập viện nhờ mũi vắc xin tăng cường. Hiệu quả ngăn nhập viện là khoảng 90% với mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 3, giảm xuống 75% trong 10-14 tuần sau khi tiêm. Với Moderna, hiệu quả ngăn nhập viện là 90-95% cho đến 9 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 3.

Bằng chứng là rõ ràng vắc xin giúp bảo vệ tất cả chúng ta chống lại tác động của COVID-19 và mũi vắc xin tăng cường đang cung cấp mức độ bảo vệ cao khỏi nhập viện và tử vong ở những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”, theo tiến sĩ Mary Ramsay, trưởng phòng Tiêm chủng tại UKHSA.

UKHSA cũng đưa ra phân tích ban đầu về hiệu quả của vắc xin chống lại BA.2 đang phát triển ở Anh và Đan Mạch, cho thấy mức độ bảo vệ tương tự trước BA.1 với bệnh có triệu chứng.

UKHSA cho biết: “Với hai liều vắc xin, hiệu quả tương ứng là 9% và 13% với BA.1 và BA.2 sau hơn 25 tuần. Con số này tăng lên 63% với BA.1 và 70% với BA.2 từ 2 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường".

Các loại vắc xin được sử dụng chủ yếu ở Anh là AstraZeneca, Pfizer, Moderna.

Như vậy, dễ thấy các vắc xin này có hiệu quả ngăn nhiễm BA.2 có triệu chứng tốt hơn BA.1 đôi chút.

Theo Statens Serum Institut (cơ quan quản lý bệnh truyền nhiễm hàng đầu Đan Mạch), các phân tích ban đầu về BA.2 ở Đan Mạch “không cho thấy có sự khác biệt nào về tỷ lệ nhập viện” so với BA.1. Theo tính toán sơ bộ, BA.2 có thể lây nhiễm nhanh hơn 1,5 lần so với BA.1.

Phiên bản "tàng hình" có một số điểm chung với Omicron tiêu chuẩn, nhưng thiếu một biến đổi di truyền cụ thể (di truyền mất đoạn trên protein gai) vốn cho phép các xét nghiệm PCR dựa trên phòng thí nghiệm phát hiện ca nghi nhiễm.

BA.2 có thể được xác định thông qua giải trình tự gien, quy trình tốn kém và tốn thời gian hơn nhiều, nhưng các trường hợp nghi nhiễm không được ghi nhận bởi các xét nghiệm PCR thông thường vốn cho kết quả nhanh hơn.

Tom Peacock, nhà vi rút học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Tôi nghĩ rằng kịch bản là có khả năng BA.2 làm trầm trọng thêm tình hình Omicron quốc gia”.

Theo ước tính của Tom Peacock, BA.2 có sự khác biệt về protein so với BA.1, có thể là hàng chục. BA.2 có rất nhiều đột biến với khoảng 20 trong số chúng ở protein gai gắn bên ngoài vi rút giống với BA.1. Song, BA.2 cũng có những biến đổi di truyền bổ sung không được thấy trong phiên bản đầu tiên.

Các bác sĩ cũng chưa biết chắc liệu ai đó đã nhiễm BA.1 có bị nhiễm BA.2 không. Thế nhưng, họ hy vọng nhiễm BA.1 trước đó có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu sau đó nhiễm BA.2.

BA.1 có các đặc điểm di truyền cụ thể cho phép các quan chức y tế nhanh chóng phân biệt nó với Delta bằng cách sử dụng một xét nghiệm PCR nhất định. Trong khi BA.2 không có cùng đặc điểm di truyền này. Trong xét nghiệm, BA.2 trông giống như Delta.

Tiến sĩ Wesley Long (nhà nghiên cứu bệnh học tại Houston Methodist ở bang Texas, Mỹ) nói: “Không phải là xét nghiệm PCR không phát hiện ra BA.2, chỉ là nó không giống Omicron. Đừng có ấn tượng rằng Omicron 'tàng hình' có nghĩa là chúng tôi không thể phát hiện ra nó. Tất cả các xét nghiệm PCR của chúng tôi vẫn có thể phát hiện ra nó".

Các nhà khoa học sẽ tiến hành các thử nghiệm để xem liệu kháng thể từ nhiễm BA.1 "có thể vô hiệu hóa BA.2 trong phòng thí nghiệm không và ngoại suy từ đó", ông Wesley Long nói thêm.

Có nhiều báo cáo khác nhau về nơi BA.2 xuất hiện lần đầu tiên như Nam Phi, Ấn Độ hay Philippines. BA.2 cũng đã được tìm thấy ở Mỹ, với trên 100 ca nhiễm.

Sơn Vân