Quan chức phương Tây gặp Taliban tại Na Uy, làm dấy lên tranh luận
Chuyển động - Ngày đăng : 11:47, 24/01/2022
Cuộc họp kín diễn ra ở một khách sạn trên núi, là đợt đàm phán Taliban - phương Tây chính thức đầu tiên kể từ khi tổ chức Hồi giáo tái kiểm soát Afghanistan.
Diễn biến trên làm dấy lên tranh luận liệu phương Tây có thừa nhận chính quyền do Taliban lập nên hay không, khi cuộc họp được tổ chức tại Na Uy – một thành viên NATO có tham gia vào chiến dịch tại Afghanistan 2 thập kỷ qua.
Phát biểu vào cuối ngày đàm phán đầu tiên, thành viên phái đoàn Taliban Shafiullah Azam cho biết các cuộc họp với quan chức phương Tây là một bước để hợp pháp hóa chính quyền do Taliban lập nên, cách thức gặp gỡ này sẽ giúp châu Âu và Mỹ xóa bỏ quan niệm sai lầm về chính quyền.
Tuyên bố trên có thể Na Uy thấy khó chịu. Trước đó Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeld nhấn mạnh các cuộc họp không phải dấu hiệu hợp pháp hóa hay công nhận Taliban.
Ngày 23.1, 200 người đã tập hợp trước trụ sở Bộ Ngoại giao Na Uy tỏ ý phản đối đợt đàm phán Taliban - phương Tây. Ahman Yasir - một người Afghanistan hiện sống tại Na Uy - phát biểu: “Taliban không hề thay đổi. Chúng vẫn tàn bạo như thời điểm trước năm 2001”.
Đại diện phía Taliban đã gặp một số nhà hoạt động nhân quyền và nữ quyền vào ngày 23.1, nhưng không hề có thông tin gì về hoạt động này.
Trong ngày 24.1 khi gặp các phái đoàn phương Tây, phái đoàn Taliban sẽ nêu yêu cầu giải phóng số tài sản trị giá gần 10 tỉ USD của Afghanistan mà phương Tây đang đóng băng.
“Tôi nghĩ đã đến lúc cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ người dân Afghanistan chứ không phải trừng phạt họ vì tranh chấp chính trị”, thành viên phái đoàn Taliban Shafiullah Azam tuyên bố.
Thời gian qua, Liên hợp quốc đã tìm cách cấp một số thanh khoản đủ cho chính quyền Taliban nhập khẩu vài mặt hàng. Nhưng hiện có tới 1 triệu trẻ em Afghanistan có nguy cơ chết đói và phần lớn dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Trước yêu cầu giải phóng tài sản từ Taliban, phía phương Tây có thể đưa ra đòi hỏi về nhân quyền và nữ quyền, chia sẻ quyền lực với nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số.
Kể từ khi tái kiểm soát Afghanistan, Taliban đã áp đặt nhiều hạn chế với người dân – đặc biệt là với phụ nữ. Phụ nữ bị cấm làm nhiều công việc ngoài lĩnh vực y tế và giáo dục, khả năng tiếp cận giáo dục bị hạn chế, phải đeo khăn trùm đầu.
Phái đoàn Mỹ do đặc phái viên phụ trách vấn đề Afghanistan Tom West dự định nhân dịp gặp gỡ tại Na Uy thảo luận về kế hoạch thành lập một chính quyền đại diện, ứng phó với khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhân đạo cấp bách, vài vấn đề về an ninh và chống khủng bố, nhân quyền đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ cùng trẻ em.