Bình Dương ghi nhận ca mắc biến thể Omicron, những người tiếp xúc ca nhập cảnh TP.HCM nhiễm Omicron đều bị lây bệnh
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:26, 24/01/2022
Ngày 24.1, đại diện Sở Y tế Bình Dương thông tin về ca mắc COVID-19 mang biến thể Omicron. Đó là trường hợp nữ bệnh nhân SN 1990, quốc tịch Việt Nam. Trước đó, ngày 9.1 người này nhập cảnh từ Canada về sân bay Tân Sơn Nhất, trên chuyến bay VN09, số ghế 27A.
Ngay sau khi xuống sân bay, trường hợp này được cách ly tại khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngày 11.1, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR có kết quả dương tính với chỉ số CT=18.7 và chuyển vào Khu điều trị Thanh Lễ.
Ngày 19.1, trường hợp này cho kết quả PCR lần 2 âm tính, ngày 20.1 về nhà cách ly theo dõi sức khỏe đến nay. Từ lúc phát hiện dương tính đến nay sức khỏe của trường hợp này bình thường, không ho, không sốt.
Theo ngành y tế Bình Dương, đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron từ người nhập cảnh về nước, được cách ly từ trước nên không nguy hiểm cho cộng đồng.
Trước đó, Bình Dương ghi nhận 3 trường hợp từ nước ngoài (Trung Quốc, Quata, Canada) nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2. Ngành y tế Bình Dương đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM để giải trình tự gen và cho ra một trường hợp mắc biến thể Omicron.
TP.HCM cũng vừa có kết quả giải trình tự gien vi rút trên mẫu bệnh phẩm ca nhiễm COVID-19 có nghi nhiễm biến thể Omicron.
Kết quả phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 2 ca cộng đồng. Như vậy, tính đến hiện nay, TP.HCM có 72 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 67 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng liên quan 1 ca nhập cảnh.
Bệnh nhân nhập cảnh được xác định nhiễm biến chủng Omicron là chị N.T.N.P., sinh năm 1981, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại phường 17, quận Bình Thạnh. Trước đó chị P. đã tiêm 3 mũi vắc xin, được cách ly sau nhập cảnh tại Nha Trang và phát hiện dương tính khi về ở TP.HCM.
Hai trường hợp mới có kết quả giải mã trình tự gene nhiễm Omicron đều là nam và có mối liên hệ với các bệnh nhân nhiễm Omicron trước đó.
Cụ thể trường hợp thứ nhất sinh năm 1997, ngụ phường 17 (quận Bình Thạnh), em họ của bệnh nhân khác sống tại khu chung cư thương mại dịch vụ ở quận 11. Bệnh nhân này đã tiêm 2 mũi vắc xin và từ 28.12.2021 được giới thiệu làm bảo vệ tại nhà của bệnh nhân nhập cảnh tại Bình Thạnh.
Trường hợp thứ hai sinh năm 1993, là bác sĩ khoa cấp cứu của một bệnh viện lớn. Bệnh nhân này sống cùng nhà với bệnh nhân ở khu chung cư thương mại dịch vụ quận 11, đã tiêm đủ 3 liều vắc xin.
Như vậy liên quan đến ca nhập cảnh, hiện có đến 5 trường hợp khác nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng tại TP.HCM. Với các dữ liệu này, bước đầu có cơ sở để đánh giá các ca nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng vừa được phát hiện ở TP.HCM có nguồn lây từ ca nhập cảnh.
Sự kiện chùm ca bệnh này phần nào chứng minh cho đánh giá về thời gian ủ bệnh và tốc độ lây lan cực nhanh của biến chủng Omicron.
Nếu tính từ ngày 4.1, thời điểm chị N.T.N.P có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính (xét nghiệm tại Mỹ, trước lúc về Việt Nam) cho đến ngày được xác định mắc COVID-19 là 12 ngày. Nếu tính từ thời điểm hết cách ly tại Nha Trang (10.1) đến ngày phát bệnh (16.1) là 6 ngày.
Điều này, theo các chuyên gia, hoàn toàn khác với chủng Delta hoặc Alpha, thời gian ủ bệnh trung bình chỉ tầm 5-7 ngày, cá biệt chỉ vài ngày là phát bệnh.
Về khả năng lây nhiễm của chùm ca bệnh này cũng khá cao. 3/5 trường hợp được xác định nhiễm Omicron hiện nay đều có tiếp xúc với bệnh nhân nhập cảnh (1 lần đón ở sân bay, 1 lần đi ăn) và chỉ 4 ngày sau thì cả 3 phát bệnh (sau 1 ngày chị P. phát bệnh). Ngoài ra người sống chung với các ca bệnh cũng đều nhiễm Omicron. Tỷ lệ lây bệnh cho người tiếp xúc gần trong trường hợp này là gần như tuyệt đối.
"Các trường hợp này được phát hiện do có triệu chứng và đi làm xét nghiệm. Nếu không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, người bệnh không đi làm xét nghiệm thì sẽ không biết được và khi đó dịch bệnh có thể âm thầm lan dần trong cộng đồng", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đánh giá.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 4.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới sáng 24.1 đã vượt 351 triệu ca, trong đó trên 5,61 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (305.171 ca), Pháp (301.614 ca) và Mỹ (trên 169.000 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (679 ca), Ấn Độ (474 ca) và Mexico (364 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới với trên 71,8 triệu ca, trong đó khoảng 889.000 ca tử vong.
Ngày 23.1, số ca mắc COVID-19 của Nga tiếp tục ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay trong 3 ngày liên tiếp, lên tới 63.205 ca nhiễm mới trong 24 giờ, tăng mạnh so với mức 57.212 ca ngày 22.1 và 49.513 ca ngày 21.1. Riêng thủ đô Moskva, tâm dịch của Nga, đã ghi nhận 17.528 ca nhiễm, là mức cao nhất trong ngày thứ tư liên tiếp.
Nga đã ghi nhận tổng cộng 326.112 ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi bùng phát dịch
Trong ngày 23.1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 62.583 ca mắc COVID-19 và 234 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.162.903 ca, trong đó 312.123 người tử vong.