Nga toan tính gì khi rút dần nhân viên ngoại giao tại Ukraine?
Quốc tế - Ngày đăng : 09:29, 19/01/2022
Tờ The New York Times dẫn lời một quan chức an ninh Ukraine cho biết vào ngày 5.1, 18 người, chủ yếu là vợ con của các nhà ngoại giao Nga đã lên đường trở về Moscow.
Vài ngày sau đó có thêm 30 người - từ Kiev và một lãnh sự quán tại Lviv - về nước. Các nhà ngoại giao Nga của 2 lãnh sự quán khác cũng được thông báo chuẩn bị rời Ukraine.
Rút dần nhân viên ngoại giao có thể nhằm mục đích lan truyền thông tin, có thể là sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột, cũng có thể nhằm gây hoang mang, hoặc cả ba.
Động thái đáng ngờ trên là thông tin quý giá có ích cho công tác dự báo Nga sắp làm gì tiếp theo, bên cạnh hàng loạt động thái khác chẳng hạn như cuộc tấn công mạng nhằm vào hàng chục trang thông tin của các cơ quan nhà nước Ukraine tuần trước, nhiều đoàn xe lửa chở khí tài tiến về phía tây nước Nga, lực lượng Nga sang Belarus chuẩn bị tiến hành "tập trận chung".
Giới chức Ukraine lo ngại lực lượng Nga sau khi sang Belarus tập trận sẽ đồn trú dài hạn, tạo điều kiện cho một cuộc tấn công từ phía bắc, phía đông lẫn phía nam.
Tại Washington, giới chức Mỹ đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa ra quyết định phát động tấn công mà vẫn đang cân nhắc hàng loạt yếu tố khác nhau - trong số đó là làm thế nào chống lại sự trừng phạt phương Tây đe dọa áp đặt, và làm sao để yêu cầu họ gửi đến NATO thu hút đủ sự chú ý.
Tuy vậy, giới chức Mỹ cũng lưu ý có thể ông Putin đã kết luận rằng Mỹ và các nước khác trang bị vũ khí cho Ukraine, khiến Nga mất ưu thế quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 17.1 vừa cho biết nước này sắp cung cấp vũ khí chống tăng hạng nhẹ cho Ukraine. Lo ngại mất ưu thế quân sự nhiều khả năng thúc đẩy Tổng thống Nga hành động sớm hơn dự kiến.
Trong bối cảnh trên, động thái rút dần nhân viên ngoại giao có ý gì?
Có thể Nga đang gửi đi thông điệp rằng Mỹ cùng phương Tây nên nghiêm túc xem xét loạt yêu cầu đảm bảo an ninh mà họ đưa ra, gồm không cho Ukraine gia nhập NATO, rút quân đội, vũ khí hạng nặng cùng vũ khí hạt nhân khỏi các nước từng thuộc khối Warsaw thời Liên Xô trước đây.
Nguy hiểm hơn là Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự, nhưng hiện không có chỉ dấu nào khác cho khả năng này.
Một số ước tính mới nhất cho thấy lực lượng Nga đóng gần biên giới giáp Ukraine chỉ vào khoảng 77.000 - 100.000 quân – thấp hơn mức 175.000 quân Lầu Năm Góc ước tính rất nhiều. Tuy nhiên vài quan chức quân sự và tình báo của Mỹ và châu Âu cảnh báo có thể Nga đợi đến mùa đông để chuyển khí tài hạng nặng đến biên giới dễ dàng hơn, hoặc có thể họ gia tăng lực lượng dần dần nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán, qua đó đạt một cam kết bằng văn bản với phương Tây.
Dù phía Mỹ tỏ ra lạc quan, phía Ukraine vẫn gấp rút chuẩn bị cho nguy cơ nổ ra xung đột. Nó có thể là một cuộc tấn công toàn diện, hoặc tấn công mạng nhắm vào lưới điện Ukraine kết hợp leo thang quân sự ở phía đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hối thúc Mỹ sớm ban hành trừng phạt để đối phó hành động khiêu khích từ Nga.
Tình hình thời gian tới sẽ phức tạp hơn khi Nga triển khai tập trận chung với Belarus. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko từng tuyên bố hưởng ứng bất cứ hành động nào của Nga trong vấn đề Ukraine.