CEO Moderna hé lộ vắc xin trị Omicron, Fauci nói liều thứ 4 không gây hại hệ miễn dịch
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:35, 17/01/2022
Giám đốc điều hành Moderna - Stephane Bancel nói công ty này dự kiến có thể chia sẻ dữ liệu vắc xin đặc trị Omicron với các cơ quan quản lý vào khoảng tháng 3.2022.
"Vắc xin đang được hoàn thiện. Nó sẽ được phát triển trong những tuần tới. Chúng tôi hy vọng trong khoảng thời gian tháng 3 có thể có dữ liệu để chia sẻ với các cơ quan quản lý để tính đến các bước tiếp theo", ông Stephane Bancel chia sẻ trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức ở thị trấn Davos (Thụy Sĩ) dưới dạng trực tuyến.
Moderna cũng đang phát triển một loại vắc xin kết hợp mũi tăng cường chống COVID-19 với thuốc phòng cúm. Stephane Bancel nói trong trường hợp tốt nhất, vắc xin COVID-19 kết hợp với phòng cúm sẽ có vào mùa thu năm 2023, ít nhất là ở một số quốc gia.
"Mục tiêu của chúng tôi là cho ra một mũi tiêm nhắc lại hàng năm để không gặp các vấn đề về tuân thủ, khi nhiều người không muốn tiêm 2 đến 3 mũi một mùa đông", Giám đốc điều hành Moderna cho biết.
Moderna cho biết dự kiến sẽ báo cáo dữ liệu thử nghiệm vắc xin COVID-19 ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi vào tháng 3.2022.
“Nếu dữ liệu mang tính ủng hộ, Moderna có thể tiến hành hồ sơ theo quy định với trẻ em 2-5 tuổi sau đó”, công ty công nghệ sinh học Mỹ thông báo.
Vắc xin COVID-19 dựa trên nền tảng mRNA của Moderna được châu Âu, Vương quốc Anh, Úc và Canada phê duyệt cho thanh thiếu niên 12-17 tuổi. Moderna đã nộp đơn đăng ký sử dụng vắc xin COVID-19 cho trẻ em 6-11 tuổi tại những nơi đó.
Ở Mỹ, vắc xin Moderna được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt sử dụng dưới dạng phác đồ hai liều chính và mũi tiêm nhắc lại cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, FDA vẫn chưa cấp phép vắc xin Moderna dùng cho trẻ em.
Nhiều quốc gia đã cung cấp liều vắc xin COVID-19 thứ 3 cho người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi và những ai bị suy giảm miễn dịch. Trong khi đó, Israel đã triển khai tiêm liều vắc xin Pfizer thứ 4 cho người từ 60 tuổi, nhân viên y tế và đối tượng bị suy giảm miễn dịch.
Đầu tháng 1, ông Stephane Bancel nói người dân có thể cần liều vắc xin COVID-19 thứ 4 vào mùa thu năm 2022 vì hiệu quả của mũi tăng cường có thể sẽ giảm trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, các chương trình tiêm vắc xin tăng cường đã vấp phải sự hoài nghi từ một số chuyên gia về việc liệu có nên cung cấp liều bổ sung không và mức độ rộng rãi. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng bày tỏ nghi ngờ về sự cần thiết của mũi vắc xin COVID-19 thứ 4.
Marco Cavaleri, người phụ trách chiến lược vắc xin của EMA, cho biết cần phải tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường hàng năm cùng thời điểm chích vắc xin cúm. Thế nhưng, ông cảnh báo: “Nếu chúng ta có một chiến lược mà trong đó phải cung cấp mũi vắc xin tăng cường, giả sử khoảng 4 tháng một lần, chúng ta sẽ có khả năng gặp vấn đề với đáp ứng miễn dịch. Đáp ứng miễn dịch có thể không tốt như chúng ta mong muốn. Chúng ta nên cẩn thận trong việc không làm quá tải hệ thống miễn dịch với việc tiêm vắc xin nhắc lại thường xuyên".
Marco Cavaleri nói rằng dữ liệu chưa ủng hộ liều vắc xin COVID-19 thứ 4. “Dù việc sử dụng một mũi tiêm tăng cường thứ 2 có thể được coi là một phần của kế hoạch dự phòng, nhưng việc tiêm chủng lặp lại trong các khoảng thời gian ngắn sẽ không thể hiện một chiến lược lâu dài bền vững”, ông cho hay.
Trong khi đó, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu Mỹ về bệnh truyền nhiễm và là cố vấn y tế của Tổng thống Biden, nói không có bằng chứng nào cho thấy tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường lặp lại sẽ làm quá tải hệ thống miễn dịch.
"Tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường vào những thời điểm khác nhau, thực sự không có bằng chứng nào cản trở đáp ứng miễn dịch", ông nói.
Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết mục tiêu nên là có mũi vắc xin tăng cường chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2, gồm cả Omicron.
Hôm 10.1.2022, Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla nói ông không chắc về sự cần thiết của liều vắc xin COVID-19 thứ 4 và tiết lộ mũi tiêm nhắm đến Omicron cùng các biến thể khác sẽ sẵn sàng vào tháng 3.
Ông Albert Bourla nói trên đài CNBC trong bài thuyết trình của Pfizer tại hội nghị chăm sóc sức khỏe J.P. Morgan: “Tôi không biết liệu có cần thiết phải tiêm liều vắc xin thứ 4 không, đó là thứ cần được thử nghiệm”.
Đây là nhận xét khác với Giám đốc điều hành Moderna.
Pfizer có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vắc xin đặc trị biến thể Omicron trên người trước cuối tháng 1.2022.
Mikael Dolsten, Giám đốc khoa học của Pfizer, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi sẽ kiểm tra điều đó từ bây giờ vào cuối tháng 1, khi chúng tôi đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng đánh giá Omicron với vắc xin hiện tại”.
Người phát ngôn của Pfizer cho biết các chi tiết cụ thể cho nghiên cứu mới này vẫn đang được hoàn thiện với các cơ quan quản lý, bao gồm cả số lượng tình nguyện viên sẽ được đăng ký và sẽ tiến hành ở những quốc gia nào.
Mục tiêu chính của nghiên cứu sẽ là so sánh các đáp ứng miễn dịch giữa công thức vắc xin hiện tại và phiên bản cập nhật phù hợp với Omicron. Theo người phát ngôn của Pfizer, thử nghiệm sẽ kiểm tra cả hai công thức được đưa ra như liều vắc xin thứ tư để nghiên cứu trên các tình nguyện viên.
Mới đây, một cơ quan kỹ thuật của WHO cho biết vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cần được làm lại để đảm bảo hiệu quả chống lại Omicron và các biến thể SARS-CoV-2 trong tương lai.
Nhóm kỹ thuật, bao gồm các chuyên gia độc lập, cho biết sẽ xem xét thay đổi thành phần vắc xin và nhấn mạnh rằng các mũi tiêm cần có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ chống lại nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
"Thành phần của vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cần được cập nhật để đảm bảo rằng vắc xin COVID-19 tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ chống lại nhiễm vi rút do WHO khuyến nghị và bệnh từ các biến thể đáng lo ngại, bao gồm cả Omicron và các chủng trong tương lai. Vắc xin COVID-19 cần tạo ra các đáp ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm nhu cầu về tiêm các liều tăng cường liên tiếp. Chiến lược tiêm chủng dựa trên các liều nhắc lại của chế phẩm vắc xin ban đầu khó có thể phù hợp hoặc bền vững", theo nhóm kỹ thuật được giao nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị cho WHO.
Tuy nhiên, tuyên bố chưa hẳn ủng hộ một loại vắc xin đặc trị Omicron ở giai đoạn này, nói rằng cần có thêm nghiên cứu và kêu gọi các nhà sản xuất chia sẻ dữ liệu.
Cơ quan kỹ thuật của WHO nói rằng một loại vắc xin cập nhật có thể nhắm vào biến thể nổi trội ở nhiều nơi, hiện là Omicron, hoặc là vắc xin đa giá trị được thiết kế để chống nhiều biến thể cùng lúc. Cơ quan này sẽ bổ sung các khuyến nghị khác khi có thêm dữ liệu.