Các OTT nước ngoài không bị kiểm duyệt khiến doanh nghiệp Việt thua thiệt
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:00, 17/01/2022
Pháp luật Việt Nam hiện chưa có đầy đủ các quy định quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT (Over The Top - nội dung phim và truyền hình được cung cấp qua đường truyền internet). Điều này dẫn đến lo ngại các OTT xuyên biên giới để lọt thông tin xấu, chống phá, trốn thuế, cạnh tranh không bình đẳng.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Vũ Tuấn (sáng lập Phan Law Vietnam), Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế châu Á Thái Bình Dương (PIAC) xoay quanh vấn đề này.
Hiện nay OTT xuyên biên giới tự biên tập, tự phân loại phim và tự chịu trách nhiệm mà không phải qua bất kỳ rào cản khâu kiểm duyệt trước nội dung nào. Điều này tạo ra lo ngại các nội dung không phù hợp về văn hóa, lối sống, đi ngược với quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ được phát trên các OTT xuyên biên giới đến hàng chục triệu dân thuộc mọi lứa tuổi tại Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này và đâu là giải pháp kiểm soát vấn đề này? Liệu nhà chức trách Việt Nam có thể tiến hành tiền kiểm thay vì hậu kiểm?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Theo quy định tại Điều 16 và Điểm b Điều 26.2 Luật An ninh mạng 2018, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet phải ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân; gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội; gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, các kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam còn phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 17 Nghị định 06/2016, trong đó gồm điều kiện: (i) Nội dung lành mạnh, phù hợp văn hóa Việt Nam, không vi phạm những quy định của pháp luật về báo chí của Việt Nam; (ii) Được một đơn vị có giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài theo quy định thực hiện biên tập, biên dịch và chịu trách nhiệm về nội dung biên tập, biên dịch.
Dù vậy, nhìn chung pháp luật Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT một cách toàn diện nhất.
Do đó, cũng dễ hiểu khi phát sinh các lo ngại về sự tự do, thiếu cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT sẽ dẫn đến việc người dân Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi có thể tiếp cận những “nội dung không phù hợp về văn hóa tư tưởng, lối sống, trái thuần phong mỹ tục, đi ngược với quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.
Tuy nhiên, ta cũng cần phải nhìn nhận rằng dịch vụ OTT có thể trở thành một phương tiện, công cụ tích cực, nhanh chóng và cực kỳ hiệu quả để giới thiệu lan tỏa, quảng bá những hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Việc không biên tập các nội dung theo quy chuẩn hiện đang không chỉ tạo lợi thế cho các OTT nước ngoài mà còn đang tạo cho các OTT này lợi thế cực lớn về thời gian, chi phí và cả cơ hội tiếp cận người dùng so với các doanh nghiệp tương tự của Việt Nam. Đây thực sự là vấn đề hết sức đáng lưu tâm, trong điều kiện ngành công nghiệp sáng tạo còn non trẻ của Việt Nam đang phải cạnh tranh thiếu công bằng trên chính sân nhà của mình.
Hiện tại, Việt Nam đang từng bước nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh quy định pháp luật hiện hành nhằm để xây dựng được một hệ thống quy định pháp luật quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT.
Dù vậy, đây là việc phức tạp nên đòi hỏi thời gian tìm tòi, nghiên cứu để có thể tạo nên những quy định hài hòa, sao cho vừa có thể bảo vệ và phát huy văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời cũng hòa hợp với xu hướng chung thế giới cũng như các hiệp định và thông lệ quốc tế.
Thưa luật sư, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới như Netflix, We TV, iQiYi, iFlix… thu được lợi nhuận rất lớn từ Việt Nam nhưng việc thu thuế từ các đơn vị này rất khó khăn. Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ OTT của doanh nghiệp nước ngoài trên mạng internet, pháp luật Việt Nam cũng đã có một số quy định để kiểm soát hoạt động cung cấp dịch vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể tại Điều 26 Luật An ninh mạng 2018 đã quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet phải lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ (Điều 26.2(b) Luật ANM).
Ngoài ra, trong trường hợp “có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra” thì doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian nhất định theo quy định của Chính phủ. Đồng thời doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động nói trên còn phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (Điều 26.3 Luật ANM).
Tại Điều 42.4 Luật Quản lý thuế đã quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế đi với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam như sau: “Nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam”.
Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số (Điều 30.3(a) Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức vì đây là những doanh nghiệp nước ngoài, không hiện diện tại Việt Nam. Vì vậy, các quy định của pháp luật vẫn cần được sửa đổi, bổ sung, nhất là trong lĩnh vực thuế, viễn thông, an ninh mạng nhằm cụ thể, chi tiết hóa hơn nữa các trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT cũng như cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của họ.
Đồng thời, tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Theo ông, làm thế nào để quản lý các dịch vụ này cho phù hợp và tương xứng nhất với pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Hiện nay, Việt Nam không cam kết mở cửa dịch vụ nội dung (content) theo Biểu cam kết thương mại và dịch vụ WTO. Chính vì vậy, khó có thể nói rằng Việt Nam có thể áp dụng được các kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia khác trong vấn đề xử lý với các doanh nghiệp OTT. Việc quản lý các doanh nghiệp OTT cũng như các nội dung được phát trên các OTT là một vấn đề vô cùng phức tạp, cần phải nghiên cứu và xây dựng mô hình quản lý sao cho phù hợp và tương xứng nhất với pháp luật Việt Nam cũng như các Điều ước quốc tế.
Việt Nam có thể học tập theo kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xử lý vấn đề về dịch vụ nội dung. Một số quốc gia, đơn cử như Hàn Quốc hay Trung Quốc, họ xây dựng một hệ thống nền tảng nội dung riêng để cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp OTT.
Việc xây dựng cho mình một hệ thống nền tảng nội dung riêng sẽ giúp cho việc quản lý các nội dung dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc ngành công nghiệp nội dung phát triển cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển đất nước cũng như khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ nội dung thế giới.
Xin cảm ơn ông!