Chỉ nên áp dụng 1 luật sửa nhiều luật với những nội dung thực sự cấp bách

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:48, 10/01/2022

Lưu ý, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật nếu bị lạm dụng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống pháp luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách.

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng với 9 điều trong dự thảo luật sửa đổi chưa bao quát hết và chưa thể hiện được sự ưu tiên cho những vướng mắc, khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

db-2.jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình)

Theo bà Thu, thực tiễn công tác mua sắm, đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật đấu thầu.

Đại biểu Thu đề nghị trong Luật Đấu thầu nên có chương riêng dành cho lĩnh vực y tế; có quy định riêng cụ thể để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, sinh phẩm được rõ ràng trong tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Khánh Thu, điểm ưu việt trong dự thảo luật sửa đổi lần này đó là việc phân cấp phân quyền cho các địa phương rõ ràng. Tuy nhiên cần nên gắn thêm trách nhiệm cụ thể hơn.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định về hậu kiểm để đánh giá giám sát. Như tại Luật Đấu thầu hiện hành chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện, kết quả thanh tra kiểm tra giám sát.

"Mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền…", bà Thu nêu.

Lưu ý, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật cũng có những hạn chế nhất định, nếu bị lạm dụng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống pháp luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, đã có sự thống nhất cao, không còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Đồng thời, ông Hiếu cho rằng do dự luật lần này điều chỉnh nhiều vấn đề tách biệt, không liên quan đến nhau về mặt nội dung, đại biểu đề nghị khi biểu quyết thông qua luật này, cần biểu quyết riêng từng nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật trước khi biểu quyết thông qua toàn dự án luật.

db3.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)

Riêng về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung để làm rõ và hiểu thống nhất về các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án nhà ở thương mại vì vấn đề này cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành thí điểm về nội dung này ở một số địa phương trước khi tổng kết, luật hoá khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi”, ông Hiếu nêu.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng từ chính sách đến cuộc sống là cả khoảng cách và để pháp luật đi vào cuộc sống cần các quy định cụ thể, kín kẽ, bảo đảm hiệu quả quản lý. Trong trường hợp chuẩn bị chưa đồng bộ, đầy đủ chặt chẽ có thể tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi vào thời điểm phù hợp.

Cho ý kiến cụ thể về nội dung sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu Mai cho rằng việc thế chế hóa Nqhị quyết 55-NQ/TW cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên thể chế hóa như nào cho đúng, phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng đảm bảo tính hợp ý, khả thi hài hòa lợi ích 3 bên.

Đại biểu cũng cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ về nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.

db.jpg
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Do đó, bà Mai đề nghị quy định cụ thể loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành và chủng loại nào do nhà nước quy hoạch, chỉ giao EVN thực hiện; quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ; trách nhiệm của từng chủ thể trong quyết định đầu tư, quản lý Nhà nước, trách nhiệm doanh nghiệp.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng lưu ý đến việc đánh giá tác động bảo đảm bình ổn giá điện; tính an toàn của hệ thống lưới điện khi giao tư nhân tham gia vận hành; các quy định cơ chế định giá, phương pháp định giá để hạch toán và định giá chuyển giao sau xây dựng; xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn, cụ thể trong lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.

Lam Thanh