Sở Công thương TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:43, 08/01/2022

Sáng 8.1, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Thực hiện chủ đề năm 2022 của TP.HCM “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” các lãnh đạo các sở ngành, TP.Thủ Đức, quận huyện và các tổng công ty đã góp ý, đưa ra nhiều giải pháp góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TP.

ct.jpeg
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

Báo cáo tại hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính cho biết 2 năm chịu ảnh hưởng của COVID-19 đã hao hụt các nguồn lực tích lũy sau nhiều năm. Tuy nhiên, trong năm 2021 tổng thu ngân sách nhà nước của TP đạt 381.531 tỉ đồng, đạt 104,5% dự toán năm.

Năm 2022, TP.HCM phải thu ngân sách 386.568 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 24,8% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Để đạt được mục tiêu này, Sở Tài chính đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có chống gian lận thuế, trốn thuế, gian lận thương mại, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết sau du lịch thì ngành công thương là ngành bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 bởi dịch bệnh. Do đó, năm 2022 TP sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế, đứt gãy vừa qua, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bước sang năm 2022, Sở Công Thương tập trung 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước tiên là đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vấn đề lớn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn. Vì thế, ngành công thương sẽ phối hợp với ngân hàng tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Song song đó, Sở Công Thương cũng tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (114 thủ tục) của Sở đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, hoặc mức độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tiếp cận còn chưa cao, nên Sở tiếp tục tuyên truyền về chủ trương cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, vừa đảm bảo an toàn, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.

Về các kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ cơ quan nước ngoài TP.HCM Nguyễn Tương Minh chia sẻ: “Để cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tôi kiến nghị lãnh đạo TP.HCM dành nhiều thời gian định kỳ thăm và làm việc với các doanh nghiệp nhằm nắm các hoạt động của các doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ”.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng khi doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị các sở ngành TP thì chậm được giải quyết làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các sở ngành khi trả lời tháo gỡ các nội dung khó khăn cho doanh nghiệp phải có hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện. “Trong công tác quy hoạch, TP.HCM nên dành quỹ đất để xây dựng khu ngoại giao đoàn, vì TP là trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhưng hiện nay chưa có quỹ đất nào cho việc này”, ông Nguyễn Tương Minh kiến nghị.

Tú Viên