Đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt-Lào, giúp Lào kết nối ra biển

Sự kiện - Ngày đăng : 16:40, 08/01/2022

Thủ tướng hai nước trao đổi về các biện pháp nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế cho tương xứng với quan hệ đặc biệt của hai nước; giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương.

Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Phankham Viphavanh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 - 10.1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Phankham Viphavanh.

tt-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh - Ảnh: VGP

Hai Thủ tướng tái khẳng định chính sách nhất quán của cả hai nước luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Hai bên vui mừng nhận thấy mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào vẫn phát triển tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn trên tất cả các kênh và triển khai đều đặn các cơ chế hợp tác song phương dưới nhiều hình thức. Hợp tác quốc phòng, an ninh, ngoại giao và phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực tiếp tục được tăng cường.

Hợp tác giữa các bộ ngành và địa phương hai nước ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 1,3 tỉ USD trong năm 2021, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đầu tư Việt Nam vào Lào đạt 112 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Để không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới các hình thức linh hoạt, hiệu quả; triển khai nghiêm túc và hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai bên; tổ chức tốt các hoạt động trong năm 2022 - Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam để kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào.

Ngoài ra, hai nước phối hợp triển khai hiệu quả các nghị định thư, kế hoạch hợp tác về an ninh-quốc phòng, cùng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên; ủng hộ nhau giữ vững ổn định an ninh-xã hội; tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Lào.

tt.jpg
Cuộc hội đàm

Hai thủ tướng tập trung trao đổi về các biện pháp nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế cho tương xứng với quan hệ đặc biệt của hai nước; nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế; trong đó có kết nối hạ tầng cơ sở cứng và mềm, đặc biệt là các dự án giao thông đường bộ (nhất là cao tốc Hà Nội-Vientiane), đường sắt và đường không, cảng biển (nhất là cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh); giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương.

Hai bên nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận về hợp tác kinh tế; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế chính sách mới phù hợp với tính chất đặc thù của quan hệ Việt Nam-Lào, tạo lập hành lang pháp lý ổn định và minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước, giúp giải phóng nguồn lực thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư. Đồng thời, tăng cường phối hợp huy động nguồn lực từ các đối tác quốc tế phù hợp để bổ trợ cho các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước, cũng như trực tiếp đầu tư, kinh doanh tại Lào.

Hai thủ tướng nhất trí tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục-đào tạo, trong đó hai bên ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường giao lưu về văn hóa, thể thao và du lịch; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, thương mại điện tử, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Phankham Viphavanh cũng đã chia sẻ nhiều đánh giá, nhận định chung về tình hình khu vực, quốc tế; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong; cùng các nước ASEAN ủng hộ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, phấn đấu giữ vững đoàn kết, đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng thành công cộng đồng ASEAN cũng như ủng hộ Campuchia thúc đẩy thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN. Trong đó có chấm dứt bạo lực, ngừng bắn và thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho Myamnar.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp duy trì lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược có liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký và trao đổi 8 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, biên giới, kinh tế, ngân hàng, giáo dục, y tế, năng lượng điện.

Lam Thanh