Số phận của những nhân vật trong vụ bạo loạn Điện Capitol

Hồ sơ - Ngày đăng : 10:34, 06/01/2022

Vụ bạo loạn Điện Capitol đã trôi qua được một năm, giới chức nước này vẫn đang truy tố những nhân vật gây rối.

Ngày 6.1.2021, hàng trăm người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol để ngăn Quốc hội Mỹ chứng nhận ông Joe Biden thắng cử. Không ít người tham gia tấn công cảnh sát, tràn qua hành lang và lục tung nhiều văn phòng bên trong tòa nhà.

Với 5 trường hợp tử vong, đây là vụ bạo loạn gây chết người nhiều nhất trong lịch sử Điện Capitol hơn 200 năm qua - một sự kiện do một Tổng thống Mỹ công khai khuyến khích người dân dùng đến biện pháp bạo lực để chống lại đối thủ chính trị.

Cựu Tổng thống Trump bị luận tội với cáo buộc “kích động nổi dậy” nhưng vì ông không còn nắm quyền nên chẳng thể áp dụng hình phạt phế truất. Người ủng hộ ông lại không may mắn như vậy, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội hơn 700 người liên quan đến vụ bạo loạn – trong đó có một số gương mặt nổi bật.

us00.jpg
Hơn 705 người bị bắt vì liên quan đến vụ bạo loạn gây sốc - Ảnh: Aljazeera

Jacob Chansley

Hình ảnh Jacob Chansley vẽ cờ Mỹ lên mặt, đầu đội mũ sừng bò nổi tiếng trên mạng sau vụ bạo loạn. Người này bị bắt vào ngày 9.1 năm ngoái, đối mặt với loạt cáo buộc như xâm nhập tòa nhà quốc hội phi pháp, thực hiện hành vi bạo lực gây mất trật tự, cản trở quy trình công nhận ông Biden thắng cử,…

Tháng 2.2021, Chansley thông qua luật sư đưa ra lời xin lỗi đồng thời bày tỏ thất vọng với cựu Tổng thống Trump vì đã không ân xá cho mình và những người tham gia vụ bạo loạn khác trước khi rời nhiệm sở.

Đến tháng 11 Chansley bị tuyên 41 tháng tù vị tội cản trở quy trình công nhận ông Biden thắng cử, các cáo buộc khác được bỏ. Luật sư bào chữa nói thân chủ mình có tình trạng tâm thần không tốt, dễ bị tổn thương.

us01.jpg
Jacob Chansley - Ảnh: Reuters

Kevin Seefried

Vì cầm cờ của Liên minh miền nam (thời nội chiến Mỹ) tiến vào tòa nhà quốc hội mà lính cứu hỏa về hưu Kevin Seefried nằm trong số nhân vật dễ nhận diện nhất.

Seefried cùng con trai bị bắt giữ vào ngày 14.1, cáo trạng đến tháng 4 mới được đưa ra. Ông đối mặt với 5 tội danh trong đó nặng nhất là cản trở quy trình công nhận ông Biden thắng cử, người con trai chịu 8 tội danh. Tháng 10.2021, một thẩm phán liên bang ấn định thời gian xét xử là tháng 6.2022.

us02.jpg
Kevin Seefried với lá cờ Liên minh miền nam bị đánh giá mang tâm lý thù địch, phân biệt chủng tộc - Ảnh: Saul Loeb

Richard Barnett

Đây là người đăng ảnh ngồi gác chân lên bàn làm việc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Ông còn khoe khoang trên mạng xã hội rằng mình đã lấy đi một phong bì từ văn phòng Chủ tịch Hạ viện.

Barnett bị bắt vào ngày 8.1. Công tố viên Mỹ cáo buộc đối tượng mang súng gây choáng vào tòa nhà quốc hội, là mối đe dọa với cộng đồng. Một thẩm phán liên bang đồng ý với cáo buộc này.

Nhưng đến tháng 4, Barnett được thả vì một tòa phúc thẩm ra phán quyết chống lại việc tạm giam trước khi xét xử.

Barnett đối mặt với 7 tội danh trong đó có tội đi vào khu vực hạn chế với vũ khí nguy hiểm. Thời gian xét xử chưa được ấn định.

us03.jpg
Người đàn ông "đại náo" phòng làm việc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Ảnh: Saul Loeb

Aaron Mostofsky

Mostofsky gây ấn tượng vì mặc trang phục lông và cầm cây trượng gỗ xâm nhập tòa nhà quốc hội. Nhưng áo chống đạn mặc bên trong cùng khiên bảo vệ có thể khiến đối tượng phải ngồi tù 10 năm. Công tố viên xác định đây là trang bị của cảnh sát bảo vệ tòa nhà quốc hội, cáo buộc Mostofsky lấy cắp tài sản nhà nước.

Đối tượng bị bắt ngày 12.1, đối mặt 8 tội danh, hiện được tại ngoại chờ xét xử vào ngày 22.1.2022.

us04.jpg
Áo chống đạn cùng khiên bảo vệ khiến Aaron Mostofsky có thể phải ngồi tù 10 năm - Ảnh: Saul Loeb

Cẩm Bình