Hồng Kông quyết theo chiến lược zero-COVID kiểu Trung Quốc và người dân do dự tiêm vắc xin
Quốc tế - Ngày đăng : 11:46, 05/01/2022
Darryl Chan có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi anh hạ cánh xuống Hồng Kông vào tháng trước. Hơn hai tuần sau - và mặc dù không hề xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào - anh vẫn bị cô lập trên giường bệnh mà không có dấu hiệu được phép ra đi.
"Tôi nghĩ điều tồi tệ nhất là không biết khi nào tôi có thể ra ngoài", anh nói. "Bạn gần như cảm thấy mình đã trở lại thời còn đi học, với việc thức dậy và giờ đi ngủ bị kiểm soát, bạn cũng không thể thể ăn những món mình muốn"
Hồng Kông, cùng với Trung Quốc đại lục, là một trong số ít những nơi trên thế giới vẫn theo đuổi chính sách zero-COVID. Chính quyền Hồng Kông cho biết ưu tiên của đặc khu là mở lại biên giới với đại lục, chứ không phải phần còn lại của thế giới,.
Điều đó có nghĩa là hầu hết người nước ngoài đều bị cấm nhập cảnh, trong khi hầu hết tất cả những người bản địa trở về từ nước ngoài đều phải trải qua 21 ngày kiểm dịch - ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ.
Đặc biệt, Hồng Kông coi người đến từ Vương quốc Anh là đối tượng có nguy cơ cao đối với biến thể Omicron. Vì vậy, những người về từ Anh phải chịu các biện pháp kiểm dịch và kiểm tra nghiêm ngặt nhất - gồm cả việc dành bốn ngày đầu tiên tại khu cách ly tập trung của chính quyền.
Hồng Kông quyết theo đuổi Zero-COVID
Vào ngày 19.12, Chan đã bay đến Hồng Kông từ London để bắt đầu công việc mới. Chan cho biết anh đã được tiêm phòng nhắc lại và đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 vài lần trước chuyến bay. Anh cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc cách ly, nhưng không thể ngờ những gì xảy ra tiếp theo.
Khi đến Hồng Kông, Chan đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 bắt buộc và đợi hàng giờ tại sân bay. Kết quả xét nghiệm được xác định là "dương tính sơ bộ", có nghĩa là Chan phải thực hiện một xét nghiệm khác. Sau đó, anh được chuyển đến một khu vực y tế dã chiến được lợp bằng vải với một chiếc giường tạm.
"Đó chắc chắn là một cú sốc nhỏ", Chan kể. "Tôi đã thực hiện rất nhiều xét nghiệm trước chuyến bay và tất cả chúng đều cho kết quả âm tính... Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có kết quả dương tính khi đến nơi".
Khoảng 13 giờ sau khi máy bay hạ cánh, Chan được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện gần đó để kiểm tra thêm. Sau đó anh được xác nhận là nhiễm biến thể Omicron, mặc dù anh không có triệu chứng.
Không chỉ những du khách phải nhập viện vô thời hạn khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở Hồng Kông mà cả phi hành đoàn cũng vậy.
Trong những ngày gần đây, Hồng Kông đã xác định được một số ca mắc bệnh Omicron trong một ổ dịch có liên quan đến phi hành đoàn - phá vỡ chuỗi gần ba tháng không có ca nhiễm COVID lây truyền trong cộng đồng. Những người được xác nhận bị nhiễm cũng được gửi đến bệnh viện.
Trong khi đó, hàng trăm người, gồm cả hơn 20 nhân viên nhà hàng được cho là có liên hệ gần với các ca dương tính đã được đưa đến khu cách ly tập trung của đặc khu trong 21 ngày và tiến hành xét nghiệm rộng rãi. Bất kỳ kết quả dương tính nào cũng phải chuyển đến bệnh viện.
Bất kỳ ai tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính trong những ngày gần đây cũng đã bị tiến hành xét nghiệm, trong khi một số tòa chung cư dính líu đến ổ dịch phi hành đoàn cũng đã tạm thời bị đóng cửa để xét nghiệm hàng loạt.
Khi lo ngại về sự lây truyền Omicron tại địa phương ngày càng tăng, lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam hôm 4.1 cho biết rằng việc nối lại các chuyến đi lại bình thường giữa thành phố và Trung Quốc đại lục sẽ "phải đợi thêm một thời gian nữa".
Ngay trước khi ổ dịch này nổi lên, bà Lam đã tái khẳng định lập trường theo đuổi chiến lược Zero-COVID của Hồng Kông.
"Hồng Kông đã thực hiện các biện pháp rất nghiêm ngặt để phòng ngừa các ca bệnh từ nhập cảnh nhằm duy trì để không lây nhiễm tại cộng đồng", bà cho biết trong một tuyên bố ngày 28.12. "Trước sự tấn công dữ dội của Omicron, chúng ta càng cần phải đề cao cảnh giác".
Mắc kẹt trong bệnh viện vô thời hạn
Theo các nhà chức trách Hồng Kông, thời gian cách ly tối thiểu đối với bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 - ngay cả khi họ không có triệu chứng - là gần một tháng. Họ phải ở lại bệnh viện ít nhất 10 ngày và không được phép rời đi cho đến khi xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp dù thời gian cho việc này sẽ lâu.
Nhưng ngay cả khi xét nghiệm âm tính hai lần không có nghĩa là bạn sẽ được về nhà ngay. Sau đó, những người âm tính 2 lần được chuyển đến một cơ sở cách ly thêm 14 ngày nữa.
Khi đến bệnh viện, Chan được đưa vào khu cách ly cùng với hai du khách khác có kết quả dương tính với Omicron. Anh phải ở trong phòng của mình 24 giờ một ngày mà không được tập thể dục ngoài trời.
Một ngày của Chan tuân theo một quy trình do bệnh viện thiết lập. Vào lúc 8 giờ sáng, loa báo thức kèm thông báo nhắc nhở mọi người nên đo lại các chỉ số của mình.
Chan nhận khẩu phần ăn do bệnh viện cung cấp vào những thời điểm cố định. Không có việc gì làm, anh dành cả ngày để kết nối với gia đình và bạn bè trên mạng xã hội và xem Netflix.
Trong khi Chan nói các bác sĩ có chuyên môn cao, nhưng họ không thể cho biết khi nào anh có thể xuất viện. Chan nói: “Tất cả phụ thuộc vào thời điểm tôi ngừng dương tính, và sau đó họ bắt đầu đếm từ thời điểm đó”.
Từ cách ly đến nguy cơ tổn thương tâm lý
Theo số liệu của chính phủ, kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Hồng Kông đã xác nhận hơn 12.600 ca mắc và 213 trường hợp tử vong - ít hơn nhiều so với các thành phố khác trên thế giới có quy mô tương đương.
Nhưng trong khi cách tiếp cận zero-COVID đã bảo vệ người dân khỏi việc nhập viện gia tăng, thành phố đã phải vật lộn với tình trạng người dân do dự tiêm vắc-xin - mặc dù người dân trên 3 tuổi được tiêm miễn phí. Đến nay, chưa đến 70% trong dân số 7,5 triệu Hồng Kông đã tiêm đủ liều hai mũi vắc xin.
Mức độ thích ứng đặc biệt thấp ở những người cao tuổi, một nhóm được coi là có nguy cơ nhập viện và tử vong cao nhất do COVID-19.
Thay vào đó, Hồng Kông đã dựa vào việc hạn chế tụ tập theo nhóm, đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng, theo dõi, truy vết, xét nghiệm và phong tỏa những người tiếp xúc gần gũi và các trường hợp nghi nhiễm kết hợp với các biện pháp kiểm dịch và biên giới khắt khe.
Mặc dù thành công của thành phố trong việc kềm chế COVID-19, các chuyên gia nói rằng thời gian cách ly dài thường phải trả giá bằng sức khỏe tâm thần của những người bị cấm túc.
Tiến sĩ Elisabeth Wong, bác sĩ tâm thần Hồng Kông, cho biết: “Nhìn chung, cảm giác bị cô lập, lo lắng và trong một số trường hợp nghiêm trọng, thậm chí là căng thẳng dẫn đến chấn thương tâm lý”.
Tuy nhiên, theo Wong có những lời khuyên để duy trì sức khỏe tinh thần tốt, cô nói thêm: “Nhìn chung, bạn có thời gian nghỉ ngơi và thời gian làm việc ... và nếu có thể, hãy kết hợp một số loại hình tập thể dục trong ngày".
Wong cho biết, thay vì coi cách ly là một hình phạt, những người đang chịu cách ly nên coi đó hành động của lòng vị tha và tự nhủ "Bạn đang làm điều gì đó tốt cho xã hội”.
Nhưng khi thời gian cách ly vô thời hạn của Chan kéo dài hơn dự tính, Chan lo lắng về sức khỏe tâm thần bản thân.