'Omicron có thể gây ra 2 - 4 triệu ca COVID-19 trong tháng 1, khiến Israel đạt miễn dịch cộng đồng'
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:23, 02/01/2022
Biến thể Omicron với khả năng lây truyền cao đã làm tăng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Theo số liệu của Reuters, số ca COVID-19 trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục, với trung bình chỉ hơn 1 triệu F0 được phát hiện mỗi ngày, trong khoảng thời gian từ 24 đến 30.12.2021. Tuy nhiên, số ca tử vong không tăng lên quá cao, mang lại hy vọng biến thể Omicron ít gây chết người hơn.
Đến cuối tháng 12.2021, Israel cố gắng ngăn chặn Omicron ở mức độ nào đó nhưng với tỷ lệ lây nhiễm đang tăng nhanh, số ca COVID-19 hàng ngày dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong 3 tuần tới. Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel - Nachman Ash cho biết điều này có thể dẫn đến khả năng miễn dịch cộng đồng.
Nachman Ash nói với đài 103FM Radio: “Cái giá phải trả sẽ là rất nhiều. Con số sẽ phải rất cao để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Điều này có thể xảy ra nhưng chúng tôi không muốn tiếp cận nó bằng các cách lây nhiễm. Chúng tôi muốn nó xảy ra do nhiều người đã tiêm vắc xin".
Khả năng miễn dịch cộng đồng là thời điểm mà một quần thể được bảo vệ khỏi vi rút SARS-COV-2, thông qua tiêm vắc xin hoặc bởi những người phát triển kháng thể do từng mắc COVID-19.
Theo Bộ Y tế, khoảng 64,1% người trong 9,4 triệu dân Israel được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 hầu hết là Pfizer–BioNTech. 46% người Israel đã nhận mũi vắc xin COVID-19 thứ ba.
Thế nhưng, hàng trăm ngàn người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa tiêm liều vắc xin thứ ba.
Đến nay Israel đã ghi nhận 1.392.144 ca mắc COVID-19 với 8.244 người chết và 1.351.754 trường hợp khỏi bệnh. Theo Eran Segal, nhà khoa học dữ liệu tại Viện Khoa học Weizmann và là cố vấn của chính phủ Israel, từ 2 - 4 triệu người có thể mắc COVID-19 từ nay đến cuối tháng 1.2022 do làn sóng dịch Omicron.
Dù vậy, Salman Zarka, Trưởng nhóm đặc nhiệm về COVID-19 của Bộ Y tế Israel, nói khả năng miễn dịch cộng đồng còn lâu mới đạt được.
Salman Zarka nói với Ynet TV: “Chúng tôi phải rất thận trọng với điều này, đặc biệt là theo kinh nghiệm của chúng tôi trong 2 năm qua, cụ thể là thấy những người khỏi COVID-19 bị tái nhiễm”.
Trong 10 ngày qua, số ca COVID-19 hàng ngày ở Israel đã tăng hơn gấp 4 lần. Các trường hợp nghiêm trọng cũng tăng nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều, tăng từ khoảng 80 lên khoảng 100.
Theo dõi chặt chẽ tình trạng mắc COVID-19 nghiêm trọng, Nachman Ash đang xem xét cấp phép tiêm liều vắc xin thứ tư cho những người trên 60 tuổi, sau khi được phê duyệt vào tuần trước cho những người cao tuổi và bị suy giảm miễn dịch trong các nhà chăm sóc.
Hiện Israel đã báo cáo 1.741 ca nhiễm biến thể Omicron.
Trung tâm Y tế Sheba ở thành phố Ramat Gan bên ngoài thủ đô Tel Aviv đã thử nghiệm tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ tư cho một nhóm nhân viên y tế hôm 27.12. Đây là nghiên cứu lớn đầu tiên để xem đợt tiêm mũi vắc xin tăng cường lần hai có giúp đối phó được với biến thể Omicron không. Kết quả được cho là sẽ có trong vòng 2 tuần.
Hôm 21.12, Hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Israel về đại dịch khuyến nghị triển khai tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư, kết luận rằng lợi ích tiềm năng lớn hơn rủi ro. Họ chỉ ra các dấu hiệu suy giảm khả năng miễn dịch vài tháng sau khi tiêm mũi vắc xin thứ ba và nói rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tiêm liều bổ sung có thể là quá muộn để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.
Thủ tướng Israel - Naftali Bennett đồng tình với khuyến nghị này khi cho biết: “Chiến lược của Israel để vượt qua Omicron là rất rõ ràng. Làn sóng dịch càng lớn thì chúng ta càng cần phải có biện pháp bảo vệ lớn hơn để vượt qua nó”.
Tuần trước, một hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế đã khuyến nghị rằng Israel nên tiêm mũi vắc xin thứ tư (tức tăng cường lần hai) cho nhân viên y tế và những người từ 60 tuổi hoặc có hệ miễn dịch bị tổn thương. Thời điểm đó, ông Nachman Ash không đưa ra quyết định ngay lập tức, trong khi một số chuyên gia cho rằng không có đủ dữ liệu khoa học để biện minh cho mũi thứ tư.
Tại cuộc họp báo hôm 30.12, Nachman Ash nói ông đã quyết định rằng hiện tại đợt tiêm mũi vắc xin tăng cường lần hai sẽ chỉ được cung cấp cho những người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư và người ghép tạng.
“Trước những lỗ hổng kiến thức hiện có trên thế giới về hiệu quả của liều vắc xin thứ tư, trong tình hình hiện tại, chúng tôi đang hành động một cách thận trọng và có trách nhiệm. Nếu chúng tôi nhận thấy các dấu hiệu cho thấy bệnh nặng dự kiến sẽ gia tăng trong nhóm dân số lớn tuổi thì chúng tôi sẽ đưa ra quyết định đó. Thách thức là phải làm sớm để tiêm phòng kịp thời cho họ", Nachman Ash lý giải.
Israel là quốc gia triển khai tiêm vắc xin COVID-19 ban đầu nhanh nhất cách đây 1 năm và trở thành một trong những nước đầu tiên tiêm mũi tăng cường sau khi quan sát thấy khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian. Các chính sách của Israel về mũi vắc xin tăng cường được các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, theo dõi chặt chẽ để xem xét thời điểm đưa ra liều bổ sung.
Trước đó, một số nhà khoa học Israel cảnh báo rằng kế hoạch tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư có thể phản tác dụng, vì quá nhiều mũi tiêm có thể gây ra một loại mệt mỏi hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2 của cơ thể.
Ngoài lo ngại rằng tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư trong vòng chưa đầy 1 năm có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, một số chuyên gia cho biết chính phủ Israel vẫn chưa tận dụng tối đa các lựa chọn khác, chẳng hạn như tiêm vắc xin nhiều hơn cho những người chưa chủng ngừa COVID-19 hoặc tiêm mũi thứ 3 cho khoảng 1 triệu dân đủ điều kiện nhưng chưa nhận được.
Cùng với kiến thức chung về Omicron, tác dụng của liều vắc xin thứ tư chống lại biến thể này chưa được biết rõ. Song các chuyên gia y tế của Israel chỉ ra rằng khả năng miễn dịch suy giảm ở những người 60 tuổi trở lên, đối tượng đầu tiên được tiêm mũi vắc xin thứ ba bắt đầu từ tháng 8.2021.
Các nhà nghiên cứu Israel từ Bộ Y tế và một số tổ chức học thuật đã trình bày dữ liệu cho nhóm tư vấn đưa ra khuyến nghị về mũi vắc xin COVID-19 thứ tư hôm 22.12. Bài trình bày cho thấy tỷ lệ nhiễm Delta ở nhóm tuổi trên 60 tăng gấp đôi trong vòng 4 hoặc 5 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba.
Nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna giúp chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong khoảng 10 tuần.
Theo dữ liệu mới được tìm thấy trong thế giới thực, khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng do biến thể Omicron gây ra đã giảm tới 25% trong vòng 10 tuần.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết khả năng bảo vệ chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm từ 70% xuống 45% trong vòng 10 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer-BioNTech cho những người ban đầu nhận hai liều vắc xin này.
Trong cùng một phân tích được công bố mới đây, UKHSA phát hiện ra hiệu quả của mũi vắc xin Moderna tăng cường kết hợp với hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech ban đầu giữ mức chống nhiễm Omicron có triệu chứng từ 70% đến 75% trong tối đa 9 tuần, dù không có nhiều người trong nghiên cứu tiêm ba mũi vắc xin kiểu này.
Với những người ban đầu nhận hai liều vắc xin AstraZeneca, hiệu quả mũi tăng cường giảm từ 60% xuống 35% với Pfizer và xuống 45% với Moderna sau 10 tuần, UKHSA cho biết.