Hàng ngàn dân mạng tưởng nhớ người đầu tiên hé lộ về COVID-19 ở Vũ Hán

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:08, 30/12/2021

Bác sĩ Lý Văn Lượng là người đầu tiên tiết lộ thông tin về COVID-19 ở Vũ Hán nhưng bị chính quyền địa phương khiển trách vì điều này.

Theo hãng tin Reuters, hàng ngàn người đã để lại bình luận trên tài khoản mạng xã hội Weibo của Lý Văn Lượng nhân kỷ niệm ngày ông biết về các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên có thể gây viêm phổi ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và chia sẻ thông tin với các bác sĩ khác.

Lý Văn Lượng là bác sĩ nhãn khoa tại một bệnh viện ở Vũ Hán, nơi phát hiện đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên.

Vào ngày 30.12.2019, Lý Văn Lượng xem một báo cáo y tế cho thấy các “ca nhiễm SARS coronavirus tiềm ẩn" (sau này được xác nhận là SARS-CoV-2) đã xuất hiện ở Vũ Hán. Ông đã viết thông tin này trong một bài đăng trên tài khoản Weibo của mình vào ngày 31.1.2020.

Đầu tháng 1.2020, sau khi thông tin về "các trường hợp nhiễm SARS coronavirus" được chia sẻ trong một nhóm WeChat, Lý Văn Lượng bị cảnh sát địa phương khiển trách vì bài đăng trên Weibo.

Ngày 12.1.2020, anh đến bệnh viện, phát hiện nhiễm vi rút gây ra bệnh COVID-19 và qua đời vào 7.2.2020.

Cái chết của Lý Văn Lượng ở tuổi 34 dẫn đến làn sóng đau buồn trên phương tiện truyền thông xã hội vào thời điểm mà nhiều người dân Vũ Hán đang hoang mang vì vi rút và các nhà chức trách thiếu minh bạch, tiếp cận cứng rắn với những người tiết lộ thông tin về COVID-19 như Lý Văn Lượng.

Vài ngày sau khi Lý Văn Lượng qua đời, Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học nổi tiếng từng tham gia đóng góp cho chiến lược ứng phó COVID-19 của Trung Quốc đầu năm 2020, đã rơi nước mắt khi nhắc đến bác sĩ này và gọi anh là “vị anh hùng dân tộc”. 

hang-ngan-dan-mang-tuong-nho-bac-si-he-lo-ve-covid-19-dau-tien-o-vu-han.jpg
Những người đeo khẩu trang tham gia lễ cầu nguyện cho bác sĩ quá cố Lý Văn Lượng tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 7.2.2020 - Ảnh: Reuters

Khi cuộc sống ở Vũ Hán trở lại nhịp điệu bình thường, người dân nơi đây vẫn tôn kính Lý Văn Lượng vì những hành động của anh. 

Người dân thể hiện niềm tin về cách phản ứng của chính phủ Trung Quốc với đại dịch, nhưng một số người vẫn tiếp tục đăng bài trực tuyến về Lý Văn Lượng, đặc biệt vào ngày kỷ niệm như hôm 30.12.

"Chúc mừng năm mới bác sĩ Lý Văn Lượng, chúng tôi sẽ nhớ đến ông mãi mãi", người dùng có tên Tdby viết.

Những người khác đăng biểu tượng cảm xúc về ngọn nến, thông điệp cảm ơn ngắn gọn và cảm thán về việc 2 năm trôi qua quá nhanh như thế nào... ở phần bình luận một trong những bài đăng của Lý Văn Lượng trên Weibo.

Nhiều người đã viết như thể đang nói chuyện với Lý Văn Lượng bên ngoài nấm mồ.

Nhà nghiên cứu truyền thông Fang Kecheng từ Đại học Trung văn Hương Cảng cho biết tài khoản Weibo Lý Văn Lượng trở thành một nơi trực tuyến để nhiều người bày tỏ cảm xúc mà họ không thoải mái làm vậy ở nơi khác.

Fang Kecheng cho biết: “Những nơi như vậy để biểu đạt ẩn danh là cần thiết trong bất kỳ xã hội nào và điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc ngày nay”.

Tính đến ngày 28.12.2021, Trung Quốc ghi nhận 101.683 ca mắc COVID-19 với 4.636 người chết.

Hôm 30.12, Tây An ghi nhận thêm 155 ca mắc COVID-19 có triệu chứng tại địa phương, nâng tổng số bệnh nhân lên mức cao nhất ở bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc trong năm nay.

Điều này nâng tổng số ca COVID-19 trong cộng đồng ở Tây An lên 1.100 kể từ khi đợt bùng phát dịch hiện tại bắt đầu vào ngày 9.12.

Tây An đã triển khai nhiều vòng xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố 13 triệu dân trong 7 ngày qua.

Zhang Fenghu, quan chức chính quyền thành phố, cho biết: “Tây An đã đến giai đoạn sống hoặc chết trong cuộc chiến chống lại vi rút”.

Dù số ca COVID-19 ở Tây An thấp so với nhiều khu vực ở nước ngoài, các quan chức áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt với việc đi lại trong và ngoài thành phố kể từ ngày 23.12, vì chính quyền Trung Quốc yêu cầu nhanh chóng ngăn chặn từng ổ dịch.

Nhiều cư dân bị cấm rời khỏi nhà trừ khi ra ngoài để làm xét nghiệm COVID-19 hoặc tham dự các sự kiện thiết yếu được chính quyền địa phương phê duyệt.

Những biện pháp này hạn chế khả năng tiếp cận các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, nhiều người không thể ra ngoài mua sắm và phải phụ thuộc vào việc giao hàng.

Các hạn chế gây ra cuộc khủng hoảng nhân sự tại các công ty liên quan đến việc đảm bảo cung cấp nhu cầu thiết yếu hàng ngày và chính phủ đang làm việc để giải quyết vấn đề, theo một quan chức Tây An.

Samsung Electronics và Micron Technology, hai trong số các nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đã cảnh báo việc phong tỏa Tây An có thể ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất chip của họ trong khu vực.

Sơn Vân