Bốn nội dung quan trọng được bàn tại kỳ họp bất thường của Quốc hội

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:55, 28/12/2021

Kỳ họp bất thường sẽ trình Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung, trong đó có chương trình phục hồi kinh tế, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, chính sách đặc thù cho Cần Thơ…

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản gửi các đại biểu quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa 15. 

Kỳ họp bất thường này sẽ trình Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung:

1. Dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

3. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

4. Dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

bvc.jpg
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Dự kiến kỳ họp khai mạc vào ngày 4.1.2022 và bế mạc vào chiều ngày 11.1.2022.

Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ nhà quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc biểu quyết sẽ được thực hiện qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, theo Tổng Thư ký Quốc hội, quy định hiện hành không bắt buộc tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường. Do đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội tùy tình hình thực tế tại địa phương có hình thức linh hoạt, phù hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp và báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp.

Ông Cường cũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan chức năng ở địa phương để chuẩn bị và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; công nghệ thông tin; an ninh, an toàn; phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa điểm họp của Đoàn trong thời gian Quốc hội họp.

Trước đó, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, về cơ bản, cả 4 nội dung chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần này đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. 

Theo đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp bất thường.

Về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh làm rõ về quy mô đầu tư; sự phù hợp với quy hoạch của các ngành, địa phương có liên quan; tính kết nối của dự án với các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ khác và cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics...

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Cần Thơ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng của sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đây là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cho ý kiến nhiều lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải có sự đầu tư công phu hơn nữa nội dung chính sách, xác định mục tiêu, phương hướng, quan điểm, nguyên tắc của việc thiết kế gói chính sách; nhấn mạnh phải dựa trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thực sự có giải pháp tài chính, tiền tệ tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, phải có chính sách về y tế; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động; các lĩnh vực an sinh xã hội, thị trường lao động; về đầu tư kết cấu hạ tầng,…

Lam Thanh