Hộ chiếu vắc xin góp phần tăng tỷ lệ tiêm chủng
Quốc tế - Ngày đăng : 11:20, 14/12/2021
Nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) cho thấy hộ chiếu vắc xin có thể làm tăng tỷ lệ tiêm chủng 20 ngày trước và 40 ngày sau, khi được giới thiệu ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình. Sự gia tăng tỷ lệ tiêm chủng rõ rệt nhất là ở những người dưới 30 tuổi. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí The Lancet Public Health.
Hộ chiếu vắc xin là chứng nhận cho người đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, có xét nghiệm âm tính gần nhất hoặc giấy chứng nhận đã khỏi COVID-19 để họ có thể đến các địa điểm và sự kiện công cộng, chẳng hạn nhà hàng hoặc các buổi hòa nhạc. Ngoài việc giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở các địa điểm công cộng, hộ chiếu vắc xin còn còn có thể khuyến khích nhiều người chưa được chủng ngừa đi tiêm chủng, đặc biệt là những người nhận thấy nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 của họ là thấp.
Giáo sư Melinda Mills, Giám đốc Trung tâm Khoa học nhân khẩu học Leverhulme tại Đại học Oxford và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Khi các chương trình tiêm chủng hàng loạt tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng thời kỳ đại dịch, việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng là rất quan trọng. Điều này vừa bảo vệ các cá nhân, vừa phá vỡ chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Nghiên cứu của chúng tôi là một đánh giá thực nghiệm quan trọng đầu tiên về việc liệu hộ chiếu vắc xin có thể là một phần của chiến lược này hay không. Nhìn chung, chúng tôi đã quan sát thấy một sự gia tăng đáng kể với dự đoán các hạn chế sẽ có hiệu lực khoảng 20 ngày trước khi áp dụng hộ chiếu vắc xin, kéo dài đến 40 ngày sau đó nhưng bối cảnh của việc tiêm chủng hiện tại, sự do dự trong việc tiêm vắc xin, mức độ tin tưởng vào các cơ quan chức năng và quỹ đạo của đại dịch là rất quan trọng”.
Nhiều quốc gia đã áp dụng hoặc đang cân nhắc việc cấp hộ chiếu vắc xin, nhưng liệu biện pháp can thiệp y tế công cộng này có làm tăng tỷ lệ tiêm chủng hay không thì vẫn chưa rõ. Từ ngày 15.12, hộ chiếu vắc xin chứng nhận một người đã tiêm phòng đầy đủ hoặc có giấy xét nghiệm âm tính gần đây sẽ được yêu cầu ở Anh để được vào các địa điểm trong nhà có hơn 500 người, các địa điểm ngoài trời không có mái che với hơn 4.000 người và bất kỳ địa điểm nào có hơn 10.000 người, tùy thuộc vào một cuộc bỏ phiếu vào ngày 13.12.
Một số bằng chứng dựa trên khảo sát đã cho thấy rằng nhiều người cho biết mình sẽ ít có khả năng tiêm chủng hơn nếu áp dụng hộ chiếu vắc xin, trong khi một số quốc gia đã báo cáo tỷ lệ tiêm chủng tăng lên sau khi áp dụng biện pháp này.
Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã liên kết dữ liệu về hộ chiếu vắc xin được áp dụng từ tháng 4 tới tháng 9 năm nay với việc tiêm chủng ở 6 quốc gia gồm Đan Mạch, Israel, Ý, Pháp, Đức và Thụy Sĩ.
Nghiên cứu sử dụng mô hình để ước tính mức độ tiêm chủng nếu không có hộ chiếu vắc xin ở tất cả 6 quốc gia, dựa trên xu hướng tiếp nhận vắc xin từ 19 quốc gia có đối chứng tương tự mà không có hộ chiếu vắc xin.
Theo nghiên cứu, ở các quốc gia trước đây có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp, việc sử dụng hộ chiếu vắc xin có liên quan đến sự gia tăng đáng kể số liều vắc xin bổ sung trên 1 triệu người, ví dụ như 127.823 ở Pháp, 243.151 ở Israel, 64.952 ở Thụy Sĩ và 66.382 ở Ý.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở Đan Mạch và Đức, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng trung bình cao hơn, không có sự gia tăng đáng kể nào về việc tiêm chủng sau khi áp dụng hộ chiếu vắc xin.
Đồng tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Tobias Ruttenauer của Đại học Oxford cho biết: “Chúng tôi biết rằng một số nhóm nhất định có khả năng tiêm chủng vắc xin thấp hơn những nhóm khác và có thể hộ chiếu vắc xin là một cách hữu ích để khuyến khích nhóm người này tiêm chủng, chẳng hạn như những người trẻ tuổi và nam giới. Tuy nhiên, hộ chiếu vắc xin không phải là một viên đạn bạc để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng và phải được sử dụng cùng với các chính sách khác. Sự chần chừ trong tiêm chủng do thiếu sự tin tưởng vào các cơ quan chức năng, vốn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế, xã hội thấp có thể giải quyết thành công hơn thông qua các can thiệp khác, chẳng hạn như đối thoại cộng đồng để nâng cao mức nhận thức về vắc xin”.
Các tác giả cho biết có những hạn chế trong nghiên cứu của họ như không có sẵn dữ liệu để kiểm tra việc tiêm chủng theo nhóm xã hội học, giới tính và dân tộc. Họ cũng nhấn mạnh rằng các chính sách hộ chiếu vắc xin ở 6 quốc gia là khác nhau vì lý do khác nhau và thừa nhận rằng các nguyên nhân của việc do dự tiêm vắc xin là rất đa dạng ở các quốc gia khác nhau. Điều này có thể hạn chế tính tổng quát của các phát hiện trong nghiên cứu.
Các tác giả cũng nêu ra một số vấn đề liên quan đến hộ chiếu vắc xin mà các nhà hoạch định chính sách nên xem xét bao gồm nguy cơ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng có mức tiếp cận vắc xin thấp hơn, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các không gian công cộng, nơi việc triển khai vắc xin COVID-19 bị ảnh hưởng theo độ tuổi, gây ra sự phân chia kỹ thuật số nếu hộ chiếu vắc xin là các mối quan tâm về quyền riêng tư của dữ liệu và điện tử.