TP.HCM lập bệnh viện riêng điều trị bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron
Sự kiện - Ngày đăng : 19:40, 06/12/2021
Xuất hiện quận có nguy cơ cao dịch COVID-19
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP, trong tuần qua, cấp độ dịch của TP vẫn tiếp tục ở cấp độ 2.
Đối với cấp quận huyện và TP.Thủ Đức có 8/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh – nguy cơ thấp); 13/12 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng – nguy cơ trung bình); có 1/22 quận huyện đạt cấp độ 3 (vùng cam – nguy cơ cao)
Như vậy so với tuần trước, TP.HCM có 3 quận huyện tăng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2 là quận 11 và huyện Cần Giờ; 1 quận tăng từ cấp 2 lên cấp 3 là quận 4. Trong khi đó, ở tuần trước không có quận huyện nào có dịch ở cấp độ 3.
Đối với cấp phường, xã, thị trấn có 104/312 địa phương đạt cấp độ ; 187/ 312 địa phương đạt cấp độ 2; 21/ 312 địa phương đạt cấp độ 3. Nếu so với tuần trước, chỉ có 5 địa phương tăng lên cấp độ dịch từ cấp 2 lên 3 thì tuần này có đến 24 địa phương.
Về giải pháp xử lý số ca F0 cũng như tử vong gia tăng liên tục trong những ngày qua, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế về việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, các bệnh viện tái cấu trúc lại hoạt động khám, chữa bệnh. Ở khu vực cách ly tạm thời và khám sàng lọc sẽ thành lập đơn vị điều trị COVID-19. Những trường hợp đến bệnh viện, nếu phát hiện mắc COVID-19 lập tức đưa vào đơn vị điều trị không phải chuyển đi nơi khác, mất thời gian. Các bệnh viện có chuyên khoa như: Nhi, Sản… sẽ thành lập những đơn vị hồi sức COVID-19 để kịp thời cứu chữa những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Đối với các bệnh viện trước đây đã chuyển đổi công năng để điều trị COVID-19 như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện huyện Củ Chi… cũng như các bệnh viện tách đôi sẽ tiếp tục sứ mệnh điều trị COVID-19, chứ không phục hồi công năng như lộ trình. Riêng 13 bệnh viện dã chiến còn lại sẽ không giải thể theo lộ trình mà vẫn tiếp tục hoạt động do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Sở Y tế TP trưng dụng các bệnh viện đóng trên địa bàn TP, kể cả bệnh viện trung ương để hình thành thành các cụm nhằm nâng đỡ nhau, kịp thời chẩn đoán điều trị những bệnh nhân nặng. Các bệnh viện cũng sẵn sàng chuẩn bị công tác hậu cần để kịp thời đáp ứng những tình huống của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, TP tăng cường các trạm y tế lưu động. Đến thời điểm này, TP có 383 trạm y tế lưu động để hỗ trợ kịp thời cho các trạm y tế cố định cũng như hỗ trợ cho địa phương trong công tác thu dung, điều trị COVID-19.
Thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ các gói thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Đối với gói thuốc C là thuốc kháng vi rút Molnupiravir chỉ sử dụng cho bệnh nhân đáp ứng điều kiện của nhóm nghiên cứu. “Đây là gói thuốc nghiên cứu lâm sàng, nên số lượng hạn chế. Thời gian qua có nhiều tin đồn và gói thuốc C điều trị rất hiệu quả nên ai ai cũng muốn sử dụng gói thuốc này, mặc dù có nhiều trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn sử dụng. Tại thời điểm này, qua rà soát nhiều nơi ở TP vẫn còn gói thuốc C. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cung ứng thêm gói thuốc này”, bà Mai chia sẻ.
Lập bệnh viện riêng điều trị bệnh nhân mắc biến chủng Omicron
Theo bà Mai, qua phân tích những bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong, phần lớn là người mắc bệnh nền, cao tuổi, chưa tiêm mũi vắc xin nào. Do đó, Sở Y tế đã tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ.
Theo kế hoạch này, những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh lý nền sẽ được y tế địa phương rà soát, lập danh sách có biện pháp tư vấn sức khỏe, hướng dẫn, theo dõi sát. “Với cách làm này, TP hy vọng sẽ giảm được tỷ lệ tử vong”, bà Mai nói.
Liên quan đến biến chủng Omicron, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khẳng định đến thời điểm này, TP chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron.
Theo ông Tâm, đây là biến chủng có tỷ lệ lây lan cao gấp 5 lần so với chủng cũ, còn động lực có mạnh hơn so với chủng cũ và kháng vắc xin hay không vẫn chưa biết. Tuy nhiên, TP cũng đã có kế hoạch để ứng phó với biến chủng Omicron này.
Giải pháp đầu tiên là ngăn chặn từ hành khách nhập cảnh, cả chính thức lẫn nhập cảnh “chui”. Đối với hành khách nhập cảnh chính thức, nếu tiêm đủ mũi vắc xin thì sẽ cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà thêm 7 ngày. Tất cả những trường hợp F0 nhập cảnh đều được giải trình gien để xác định có phải nhiễm biến chủng Omicron hay không.
Đối với hành khách nhập cảnh “chui”, ngành y tế TP sẽ phối hợp với công an rà soát, giám sát, theo dõi những trường hợp này, nếu phát hiện F0 cũng thực hiện giải trình gien.
Chia sẻ về điều này, bà Mai cho biết, Sở Y tế đang phối hợp với Bộ Tư lệnh TP và Công an TP xây dựng tham mưu chiến lược y tế để có thể khống chế sự xâm nhập của biến chủng Omicron.
Thành phố sẽ lập một bệnh viện riêng để tiếp nhận, sàng lọc. Khi phát hiện F0 nhiễm biến chủng Omicron sẽ được đưa vào bệnh viện này để điều trị nhằm tránh lây nhiễm với các bệnh viện điều trị COVID-19 không phải nhiễm biến thể Omicron. “Thành phố sẽ đưa Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.Thủ Đức) trở thành bệnh viện chuyên thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể Omicron. Hiện bệnh viện dã chiến này sau khi giải thể đang để trống nên thuận lợi cho việc thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron”, bà Mai cho biết.
Tính đến 18 giờ ngày 5.12, TP.HCM có 478.922 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 478.350 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 572 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 13.681 bệnh nhân, trong đó có 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 5.12, TP có 958 bệnh nhân nhập viện, 927 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ đầu năm 2021 đến nay là 284.856 bệnh nhân), 94 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ đầu năm 2021 đến nay là 18.498 bệnh nhân).