COVID-19 và sự khao khát đến trường của học sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 12:54, 05/12/2021
Dự kiến kỳ nghỉ sẽ còn dài hơn khi chất lượng của việc học trực tuyến còn bỏ ngỏ, vì còn nhiều khía cạnh gây tranh cãi.
Đến thời điểm này, năm học 2021 – 2022 đã đi được gần nửa chặng đường. Nếu như những năm học trước, thời điểm tháng 12 hằng năm là lúc học sinh các cấp đang tất bật với việc ôn tập để thi cuối học kỳ 1 thì năm nay lại khác, một năm học vô cùng đặc biệt đối với các em học sinh như khai giảng trực tuyến, học trực tuyến… ỡ ngỡ, lạ lẫm là điều mà học sinh các cấp học năm nay gặp phải.
Năm học này, có lẽ học sinh khối lớp 1, 2 ở Cà Mau nói riêng và hầu hết các tỉnh, TP cả nước là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Vì sao?
Thứ nhất, đây là những khối lớp nhỏ rất cần được thầy cô chỉ dạy trực tiếp, nhất là ở khối lớp 1. Thứ 2, các em học sinh lớp 1, 2 rất khó tiếp thu kiến thức từ giáo viên bằng hình thức trực tuyến, bởi ý thức tự giác của các em chưa có nhiều. Thứ 3, phụ huynh và giáo viên chưa phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc dạy và học của học sinh… và còn nhiều điều bất cập khác.
Đó là một trong vài lý do chính dẫn đến việc dạy học trực tuyến hiện nay chưa mang lại hiệu quả, mà minh chứng là đến nay hầu hết học sinh khối lớp 1, 2 ở Cà Mau vẫn chưa được học kiến thức mới. Học sinh lớp 2 chỉ toàn ôn kiến thức cũ và được giáo viên chủ nhiệm giao bài tập qua mạng.
Thêm vào đó, việc học trực tuyến năm nay đã khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình phải xáo trộn. Họ không tự chủ được thời gian, công ăn việc làm, khó khăn trong việc dạy học cho con em mình và nợ nần. Đó là phải đầu tư máy móc thiết bị điện tử công nghệ, đầu tư lắp đặt ti-vi có kết nối internet…, để cho con em mình có phương tiện học tập. Nhiều gia đình khó khăn nhưng có nhiều con đang theo học các cấp học thì không đủ điều kiện trang bị thiết bị cho các em nên phải vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau dẫn đến nợ nần. Thậm chí, có gia đình có 2 - 3 học sinh đi học nhưng chỉ có một thiết bị học tập. Ở sâu trong các vùng nông thôn, hệ thống Internet, 4G chập chờn càng khiến cho việc học trực tuyến trở nên khó khăn hơn.
Thêm vào đó, phụ huynh phải dừng công việc mưu sinh để theo dõi việc học của con em mình. Thậm chí, có em phải bỏ học online vì không có phụ huynh theo kèm… Đó là những hệ lụy do COVID-19 đem lại.
Việc học online năm nay không mang lại hiệu quả và có lẽ, năm sau các em học sinh khối 1, 2 có thể sẽ phải học lại, bởi làm sao có thể lên lớp được khi chất lượng giáo dục trực tuyến chưa được kiểm định, đánh giá. Đó là chưa kể đến hiện tượng tiêu cực xảy ra trong khi phụ huynh theo dõi, chỉ dạy con em mình học trực tuyến.
Cụ thể, khi giáo viên cho bài tập làm tại nhà và yêu cầu học sinh sau khi làm xong, chụp hình gửi lên nhóm để cô theo dõi, chấm điểm. Khi đó, giáo viên liệu có giám sát được việc các em tự làm hay cha mẹ "làm giúp" để con em họ có kết quả cao, có lợi nhất? Và ai sẽ khẳng định các em học sinh ở cấp học lớn hơn sẽ không sử dụng "chiêu trò" để làm bài tập, kiểm tra đạt kết quả cao?
Việc học trực tuyến có thể hiệu quả đối với học sinh các khối cấp 2, 3. Bởi ở lứa tuổi này các em gần như đã có ý thức cao và hiểu rõ vấn đề học tập có lợi như thế nào. Nhưng ai dám chắc chắn, đảm bảo rằng sẽ giám sát, đánh giá được chất lượng dạy học trực tuyến sẽ không có vấn đề tiêu cực, trong khi học trực tiếp còn xảy ra tình trạng tiêu cực.
Hơn lúc nào hết, hiện nay các em học sinh đang rất khao khát được trở lại trường để học tập sau gần 6 tháng nghỉ hè. Nhưng để làm được điều đó trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, rất khó để hiện thực hóa được nhu cầu đến lớp của các em, nhất là khi biến chủng mới của COVID-19 là Omicron đang khiến cả thế giới phải dè chừng. Và phụ huynh cũng sẽ không mạo hiểm để con mình đến trường học khi chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19.
Bé Duy, học sinh lớp 2 ở TP.Cà Mau chia sẻ: "Con muốn đến lớp học, con nhớ trường nhớ bạn nhiều lắm. Dịch bệnh nên chúng con phải ở nhà và học online chưa được bao lâu thì phải dừng. Cô giáo chỉ cho bài ôn tập, chứ chưa dạy chúng con chương trình mới của lớp 2".
Hiện nay, việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ nhỏ từ 3 – 11 tuổi đang được các địa phương lên kế hoạch, thống kê lập danh sách, nhằm phủ vắc xin cho toàn dân hướng đến việc tạo miễn dịch cộng đồng. Khi đó, đường đến trường của các em học sinh sẽ gần hơn. Nhưng vấn đề là khi nào nhóm đối tượng này được tiêm ngừa?
Nếu COVID-19 tiếp tục hoành hành như hiện nay, rất có thể kỳ nghỉ hè của các em học sinh khối lớp 1, 2 và việc học trực tuyến đối với các khối lớp còn lại sẽ phải kéo dài thêm.
Chưa bao giờ, con đường đến trường lại khó khăn đối với học sinh như lúc này.