Quan chức Trung Quốc phát biểu ly gián 2 đồng minh của Mỹ trong vấn đề Biển Đông

Quốc tế - Ngày đăng : 10:17, 04/12/2021

Theo ông Wang, Úc đang theo chân Mỹ trong vấn đề Biển Đông và nói thêm rằng New Zealand chắc chắn sẽ làm theo “bởi vì New Zealand phải theo chân Úc”.

Trung Quốc “lo lắng” rằng New Zealand ngày càng lên tiếng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng lập trường của Wellington trở nên cứng rắn hơn là do sức ép từ Mỹ và Úc.

Trong buổi trả lời báo chí thông qua Zoom, ông Wang Genhua, Phó đại sứ của Trung Quốc cho biết mối quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc “về cơ bản là ổn định”.

Nhưng trong 6 tháng qua, ông đã nhận thấy một sự thay đổi. Ông Wang phán đoán: “New Zealand đang phải chịu một số áp lực từ bên ngoài và cố gắng có nhiều tiếng nói hơn về Biển Đông ... Chúng tôi cảm thấy lo lắng về điều đó và không biết lý do.

Chính phủ New Zealand, cùng với nhiều nền dân chủ tự do khác, ngày càng lo ngại hơn về lập trường ngày càng thô bạo của Trung Quốc trên trường quốc tế trong những năm gần đây. Điều đó gồm cả ảnh hưởng ngày càng mở rộng của nước này ở Thái Bình Dương, cũng như việc quân sự hóa Biển Đông - một điểm nóng tiềm tàng xung đột với các nước ASEAN.

trung-quoc(1).jpg
New Zealand lo ngại trước thái độ lớn lối của Trung Quốc ở Biển Đông

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vào tháng 7 cho biết “việc xây dựng đảo nhân tạo, tiếp tục quân sự hóa và các hoạt động gây rủi ro cho tự do hàng hải” của Trung Quốc ở Biển Đông là một “mối quan tâm nghiêm trọng” đối với New Zealand.

Thông điệp này đã được Ngoại trưởng Nanaia Mahuta nhắc lại trong chuyến công du tới Indonesia vào tháng trước. Vào tháng 8, New Zealand trong một tuyên bố ngoại giao tại LHQ, đã nói rằng yêu sách về “quyền lịch sử” đối với Biển Đông - như Trung Quốc đơn phương tuyên bố - là không có cơ sở pháp lý.

Nhưng ông Wang nói rằng New Zealand đã hiểu nhầm cái gọi là "yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông” còn việc Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự trên biển được ông Wang giải thích khôi hài là “một vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia” nên không được để người ngoài can thiệp.

Ông Wang thừa nhận: “Mỹ, New Zealand hay những quốc gia khác, họ không muốn lắng nghe ý kiến ​​của chúng tôi. Đó là vấn đề”

Giáo sư David Capie của Đại học Victoria, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, cho biết những tuyên bố về “cái gọi là quyền lịch sử” không được công nhận theo luật quốc tế.

Một tòa án của LHQ vào năm 2016, sau khi nhận được khiếu nại từ Philippines, đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông và cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo trong vùng biển của nước khác là trái pháp luật. Trong phán quyết mang tính bước ngoặt, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague nói rằng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát độc quyền trong lịch sử đối với tuyến đường thủy trọng yếu.

Giáo sư Capie nói: “Trung Quốc đã phớt lờ quyết định đó. Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng các đảo và căn cứ quân sự, đồng thời sử dụng lực lượng dân quân biển và tuần duyên để quấy rối các nước khác".

Ông nói: “Khi những hoạt động đó gia tăng, những mối quan tâm của New Zealand cũng tăng lên. Đối với một quốc gia biển nhỏ bé nhưng có vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng lớn, thì điều thực sự quan trọng là Luật Biển phải được tất cả các quốc gia lớn nhỏ tôn trọng và duy trì”.

Giáo sư Capie cho biết không ngạc nhiên khi nghe một quan chức Trung Quốc chỉ trích lập trường của New Zealand về Biển Đông, "nhưng tôi không nghĩ nó thuyết phục cho lắm".

Wang đã phụ trách cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Wellington trong những tuần gần đây sau khi đại sứ tại New Zealand Wu Xi rời đất nước sau gần 4 năm. Ông cho biết một đại sứ mới sẽ được công bố trong tháng tới.

Việc các quan chức Trung Quốc ở New Zealand nói chuyện công khai, đặc biệt là về các vấn đề gây tranh cãi là điều hiếm thấy, nhưng dù sao thì ông Wang cũng đã thẳng thắn đề cập những chuyện nhạy cảm. Tháng trước, ông công khai nói rằng Úc chắc chắn sẽ có được vũ khí hạt nhân như một phần của hiệp ước quốc phòng AUKUS - điều mà tất cả các thành viên của hiệp ước đã cam kết sẽ không xảy ra. Các nước AUKUS chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không chia sẻ công nghệ về đầu đạn hạt nhân.

Ông Wang cho biết rất “lạc quan” về mối quan hệ New Zealand-Trung Quốc và cho biết “xu hướng chung” không thay đổi. Ông cũng cho biết các quan chức chính phủ New Zealand đã lắng nghe quan điểm của Trung Quốc khi họ muốn, nhưng chủ yếu về chính sách kinh tế và thương mại.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, với thương mại hai chiều vượt quá 33 tỉ USD hằng năm. Ông Vương nói: “Nếu chúng tôi có bất kỳ chính sách thương mại hay chính sách kinh tế, chính phủ họ sẽ rất quan tâm, nhưng về vấn đề Biển Đông hoặc vấn đề Tân Cương như các bạn biết đó, chúng tôi giải thích rất nhiều cho họ, nhưng họ không muốn nghe. Có thể họ cảm thấy áp lực từ bên ngoài, hoặc bạn biết đấy, về cơ bản chúng ta có một số giá trị khác biệt. Đó cũng là điều tự nhiên thôi".

Theo ông Wang, Úc đang theo chân Mỹ và nỗ lực của hai nước nhằm “khuấy động cuộc đối đầu ý thức hệ chống lại Trung Quốc”, đồng thời nói thêm rằng New Zealand chắc chắn sẽ làm theo “bởi vì New Zealand phải theo chân Úc”.

“Úc muốn trở thành anh hai ở Châu Á Thái Bình Dương, điều đó thật nực cười… Tôi nghĩ đó là một trong những môi trường bên ngoài thách thức nhất đối với Trung Quốc hiện nay”.

Trung Quốc và Úc đã sa lầy trong một cuộc căng thẳng thương mại kéo dài, với việc Trung Quốc áp đặt thuế quan nặng đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Úc sau khi Canberra lên tiếng ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Vào tháng 9, Úc tuyên bố sẽ tham gia một hiệp ước quốc phòng với Mỹ và Vương quốc Anh, mang tên AUKUS, hiệp ước này sẽ cho phép Úc tiếp cận công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Động thái này được cho là nhằm chống lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Wang cũng nói, Đài Loan là vấn đề cấp bách nhất đối với ngoại giao của Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, nơi mà họ coi là một tỉnh ly khai, và muốn sớm thống nhất hòn đảo này

New Zealand không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chỉ công nhận Bắc Kinh là đại diện duy nhất của Trung Quốc. Ông Wang cho biết New Zealand vẫn giữ một "vị thế thấp" ở eo biển Đài Loan.

Anh Tú