TP.HCM: 2 bệnh nhi mắc COVID-19 nguy kịch, chạy ECMO đã thoát chết
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:34, 29/11/2021
Ngày 29.11, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có 2 bệnh nhi mắc COVID-19 phải lọc máu, chạy ECMO trong tình trạng nguy kịch được điều trị tại đây đã thoát chết ngoạn mục.
Đó là trường hợp bé trai N.V.M.Q.(9 tuổi, ngụ quận 3) và bé gái P.M.N.(14 tuổi, ngụ ở quận Gò Vấp). Trong đó, bé trai 9 tuổi gia đình không biết cháu mắc COVID-19.
Trước nhập viện, bé trai này bị sốt, ho, sổ mũi đã 4 ngày và tình trạng ho ngày càng nhiều, khi bé than khó thở, gia đình mới đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tại đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng đánh giá tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, lập tức hỗ trợ hô hấp, thiết lập đường truyền, đồng thời cho nằm khu vực cách ly để thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật RT- PCR. Ngay lập tức các bác sĩ đã sử dụng hàng loạt các kỹ thuật cấp cứu.
Lúc này, các bác sĩ đã tiếp cận người nhà để khai thác bệnh sử và dịch tễ gia đình thì được biết, nhiều người trong gia đình cũng biểu hiện bệnh tương tự, và tự khỏi nên gia đình chủ quan, nghĩ bé cũng có thể tự khỏi như những trường hợp cảm cúm thông thường.
Kết quả PCR cho thấy, bệnh nhi Q. bị dương tính với COVID-19; còn phổi tổn thương tiến triển cả 2 bên, độ bão hòa oxy giảm thấp, bé được hội chẩn và chuyển vào Khoa COVID-19 tiếp tục hồi sức.
BS.CK2 Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé trai này bị béo phì nên tình trạng chuyển biến nặng rất nhanh. Dù các bác sĩ đã thực hiện đúng phác đồ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế như: cho trẻ nằm sấp, thở áp lực dương liên tục qua mũi với thông số cao, sử dụng thuốc kháng vi rút, kháng viêm, kháng sinh, kháng đông… nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, oxy hoá máu còn thấp và nguy cơ tiến triển đến suy đa tạng nếu để thiếu oxy mô kéo dài. Lập tức các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản thở máy xâm lấn với thông số cao.
Tình trạng bệnh diễn tiến suy hô hấp cấp tiến triển, phản ứng viêm tăng cao, cơn bão cytokine xuất hiện càng làm bé nặng hơn.
“Các bác sĩ, điều dưỡng túc trực bên bệnh nhân, hội chẩn lãnh đạo khoa liên tục để có hướng xử trí phù hợp. Bệnh nhi được sử dụng thuốc ức chế thụ thể IL-6, lọc máu liên tục bằng quả lọc hấp phụ Oxiris. Có những thời điểm tình trạng oxy hoá máu tưởng chừng cải thiện nhưng tổng cuộc vẫn chưa khả quan, chúng tôi quyết định hội chẩn với khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và bệnh viện Nhi Đồng thành phố cùng thống nhất sử dụng kỹ thuật ECMO”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Cùng thời điểm với bé trai N.V.M.Q., bé gái P.M.N. mắc COVID-19 nguy kịch chuyển từ Bệnh viện Gò Vấp trong tình trạng tím tái, bóp bóng giúp thở qua nội khí quản, SpO2 dao động 60 - 70%, truỵ tim mạch phải sử dụng dịch truyền, thuốc vận mạch, trợ tim. Tình trạng rất nguy kịch.
Lúc này, Bệnh viện Nhi đồng 2 phải điều động thêm máy ECMO từ bệnh viện khác, bổ sung nhân lực từ khoa Hồi sức tích cực chống độc hỗ trợ Khoa COVID-19 chạy ECMO cùng lúc để cứu 2 bệnh nhi.
Theo bác sĩ Việt, trong quá trình thực hiện cùng lúc 2 ca ECMO, việc điều trị và chăm sóc 2 bệnh nhi có những lúc khó khăn, bất lợi nhưng các bác sĩ đã cùng hội chẩn thống nhất và từng bước vượt qua.
“Đến nay, sau hơn 2 tuần chạy ECMO, bé trai Q. đã hồi phục và được xuất viện. Riêng bé gái 14 tuổi cũng đã ngưng ECMO, trở về cuộc sống bình thường và chờ ngày xuất viện. Niềm vui nhân đôi cho tập thể nhân viên y tế bệnh viện trong mùa COVID-19”, bác sĩ Việt cho biết.