Tân Thủ tướng Đức liệu có cứng rắn với Trung Quốc?
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:23, 25/11/2021
Hãng tin Reuters hôm 25.11 cho biết, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức ngày 24.11 đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ mới sau 2 tháng đàm phán căng thẳng. Đây là lần đầu tiên thành lập chính phủ liên bang ba bên ở Đức kể từ những năm 1950 và kết thúc 16 năm chính phủ bảo thủ do bà Angela Merkel lãnh đạo.
Theo thỏa thuận, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz (63 tuổi) thành viên của SPD sẽ kế nhiệm bà Merkel làm thủ tướng Đức. Bà Annalena Baerbock từ đảng Xanh sẽ trở thành ngoại trưởng và ông Robert Habeck, thành viên đảng Xanh, sẽ là "siêu bộ trưởng" lãnh đạo Bộ Kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, ông Christian Lindner, lãnh đạo FDP, sẽ trở thành bộ trưởng Tài chính mới. Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil của SPD là người duy nhất trong chính phủ cũ giữ lại chức vụ của mình.
Theo Reuters, Liên minh giữa 3 đảng còn được gọi là "Liên minh đèn giao thông" vì màu sắc biểu tượng của SPD, FDP và đảng Xanh lần lượt là đỏ, vàng và xanh. Liên minh này được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên quan hệ mới với châu Âu và có kế hoạch tăng tốc số hóa nền kinh tế lớn nhất châu lục.
Đây sẽ là liên minh 3 bên đầu tiên trong chính phủ Đức và là liên minh đầu tiên tập trung giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Do đó, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ là ưu tiên hàng đầu của mỗi bộ trong chính phủ mới của Đức.
"Ngày nay, đèn tín hiệu giao thông là không thể thiếu để điều tiết mọi thứ một cách rõ ràng, định hướng đúng và đảm bảo rằng mọi người di chuyển về phía trước một cách an toàn và thuận lợi. Tham vọng của tôi với tư cách là thủ tướng là "liên minh đèn giao thông" này sẽ đóng một vai trò đột phá tương tự đối với nước Đức", tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay.
Chính phủ mới dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng 12. Thách thức trước mắt của chính phủ mới sẽ là kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 đang rất xấu ở Đức cũng như châu Âu và khủng hoảng di dân tại biên giới Ba Lan - Belarus.
Scholz nói rằng việc chống đại dịch COVID-19 sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông. Tuy nhiên, chính phủ của ông cũng có những kế hoạch trung và dài hạn đầy tham vọng, bao gồm mở rộng nhanh hơn năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tốc độ thoát khỏi than gây ô nhiễm và tăng lương tối thiểu.
Nhấn mạnh xu hướng tự do xã hội của mình, chính phủ được thành lập bởi liên minh 3 đảng cũng sẽ đồng ý cho phép nhiều quốc tịch, tăng nhập cư thường xuyên, giảm độ tuổi bỏ phiếu xuống còn 16 và đưa Đức trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên hợp pháp hóa việc bán cần sa để sử dụng giải trí.
Đáng chú ý, Liên minh sắp tới sẽ phải cân bằng lời kêu gọi của đảng Xanh về một đường lối cứng rắn hơn đối với Nga và Trung Quốc về nhân quyền. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định ông Scholz sẽ tránh đối đầu trực tiếp liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Vấn đề Trung Quốc được coi là thử thách đối ngoại phức tạp hơn với tân Thủ tướng Đức. SDP đã phát tín hiệu rằng, chính quyền Scholz sẽ không lập tức hợp lực cùng Mỹ thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc chỉ sau một đêm.
"Nhìn vào chính sách với Trung Quốc của bà Merkel, tôi nghĩ ông Scholz sẽ đi theo hướng này hơn là theo chiến lược gây sức ép như Washington với Bắc Kinh", Lars Klingbeil, Tổng thư ký SDP, đồng minh thân cận với Scholz, cho biết hồi tháng trước.
Ariane Reimers, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin cho rằng, ông Scholz có thể theo đuổi chính sách thực dụng với Trung Quốc, thiên về kinh doanh nhiều hơn, tương tự như con đường của cựu Thủ tướng Merkel.
“Ông Scholz sẽ phải tìm cách hài hòa với lập trường của đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do khi cả 2 đều có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc”, Reimers nhận định và cho rằng, một chính phủ liên minh do ông Olaf Scholz lãnh đạo nhiều khả năng sẽ ít tập trung vào quan hệ với Mỹ dù SPD đã kêu gọi “khởi động lại” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Theo nhà phân tích Kundnani, SPD không có xu hướng cứng rắn với Trung Quốc như Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), thậm chí ít đối đầu hơn. Còn đảng Xanh đặt hy vọng nhiều nhất vào sự thay đổi trong quan hệ Đức-Trung, nhưng bất kể bộ phận nào mà họ kiểm soát trong liên minh cầm quyền, chính sách đối với Trung Quốc vẫn sẽ do thủ tướng quyết định.
Trước đó, phát ngôn viên về chính sách ngoại giao của SPD, Nils Schmid, từng nói rằng: “Đối với bất cứ chính phủ nào trong tương lai ở nước Đức, họ sẽ không giữ hiện trạng như vậy. Bất kỳ vị Thủ tướng nào, dù là liên minh mới nào cũng sẽ phải thay đổi thái độ với Trung Quốc, bởi Trung Quốc cũng đã thay đổi”.
Một số nhà phân tích cho rằng có sự đồng thuận chung trong các ngành công nghiệp, dịch vụ công, nhiều bộ ngành. Cả cộng đồng tình báo ở Đức đều cho rằng, cần hướng tiếp cận khác với Trung Quốc, và thủ tướng mới khó có thể chống lại sự đồng tình đó.
Liên hiệp Các ngành Công nghiệp Đức là một ví dụ. Đây là một nhóm vận động hành lang có tiếng, vốn có quan điểm ủng hộ áp lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức Trung Quốc – một ý tưởng mà chỉ cách đây vài năm khó có ai tin là có thể được đưa ra. Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng chỉ là một phần trong chính sách ngoại giao mà người Đức quan tâm, trong khi ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới vẫn là chính sách về biến đổi khí hậu và vấn đề tài chính.