Giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thông minh

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:55, 21/11/2021

Chuyển đổi số sẽ không còn là lựa chọn mà trở thành tất yếu. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp luôn là nhiệm vụ hàng đầu.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

"Cú hích" mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19 khiến quá trình ứng dụng các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất diễn ra với tốc độ nhanh. Các doanh nghiệp trong nước đã phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy, từ đặt hàng cho đến sản xuất.

ung-dung-cong-nghe.jpg
Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao - Ảnh: BCT

Một nghiên cứu đáng chú ý của ngành công thương là chế tạo các thiết bị công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) như: trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, IoT, thị giác máy... và đưa sản phẩm vào sử dụng trong thực tế sản xuất. Kết quả ứng dụng cho thấy những thiết bị trên có thể giám sát điều khiển dây chuyền sản xuất lắp ráp, chế biến... giúp nâng cao năng suất, giảm nhân công, tăng chất lượng sản phẩm một cách rõ rệt.

Hay sử dụng công nghệ IP camera (camera kiểu IoT), chuyển mạch IP, mạng cáp quang tốc độ cao kết nối internet... trong việc chuyển giao hệ thống điều khiển để giám sát tập trung mỏ hầm lò cho doanh nghiệp khai thác than.

Ngoài ra, còn nhiều ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: hệ thống kiểm tra ngoại quan chất lượng sản phẩm dùng AI và thị giác máy ứng dụng cho doanh nghiệp FDI; hệ thống điều khiển cung cấp thức ăn và thông gió làm mát tự động cho trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ IoT...

Có những kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp phục vụ thiết thực cho cuộc chiến chống COVID-19 như máy sản xuất khẩu trang tự động. Đây là sản phẩm được nghiên cứu đầu năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh. Sản phẩm đã phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đem lại cho các công ty doanh thu hàng trăm tỉ đồng.

Mặc dù không phải là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, song nhiều sản phẩm đại diện của ngành giấy như: bột giấy, giấy in, viết, tissue... lại là những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Những năm gần đây, ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để cho ra đời những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ví dụ, ngành giấy đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp, công nghệ đã được áp dụng triển khai sản xuất thương mại trên dây chuyền sản xuất với sản lượng trên 300 tấn/năm. Ngành cũng nghiên cứu và làm chủ được công nghệ giấy in nhiệt, chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản; làm chủ công nghệ chế tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue...

Nhờ những thành tựu nghiên cứu trên, trong giai đoạn 2016-2020, ngành giấy Việt Nam đã có những bước phát triển đột biến, năng lực sản xuất giấy tăng trung bình trên 30%/năm; sản lượng sản xuất tăng trung bình trên 25%/năm; nhu cầu tiêu dùng tăng trên 12%/năm.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 giống như một liều thuốc thử, khiến doanh nghiệp phải định hình lại chiến lược, đặt ra lộ trình phát triển, đầu tư đổi mới công nghệ. Đại dịch cũng cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất. Giờ đây, chuyển đổi số ở nước ta đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt

Trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, các bộ ngành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất với những công nghệ mới, hiện đại để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy sản xuất thông minh. Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030 tập trung giải quyết hai nhóm vấn đề lớn trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt.

Thứ nhất là thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đồng thời có chính sách ưu tiên mang tính đặc thù cũng như đột phá về hoạt động khoa học công nghệ, về chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nói riêng và hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số, qua đó liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi.

Thứ hai là hỗ trợ và phát triển năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển nguồn lực số và hình thành các nguồn tài nguyên, hạ tầng số dùng chung, đầu tư phát triển hạ tầng và công cụ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp. Triển khai một số dự án chuyển đổi số có tính đại diện để đảm bảo tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình đã triển khai, gia tăng hiệu quả thực tiễn.

Ứng dụng công nghệ cao là nền tảng tốt cho việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng "Make in Viet Nam", đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Để thực hiện điều này, trao đổi với Một Thế Giới, một chuyên gia về công nghệ cho rằng doanh nghiệp cần phải tận dụng tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ đổi mới khoa học, công nghệ từ Nhà nước để chủ động đổi mới hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp có thể kết nối với nhiều nguồn cung và cầu công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng phần mềm công nghệ để tối ưu hóa hoạt động quản lý và sản xuất. Công cụ này có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu tối đa chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, vị chuyên gia này khuyến nghị mỗi doanh nghiệp cần phải lựa chọn cho mình các mô hình và phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 như: kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ tự động hóa trong sản xuất và kiểm soát chất lượng... Đây là yêu cầu rất quan trọng đối với doanh nghiệp vì nếu không có định hướng phát triển rõ ràng về thiết bị, công nghệ thủ công, lao động... sẽ dễ bị đẩy lùi về phía sau.

Ngược lại, khi xác định được mô hình kinh doanh công nghệ mới, kết quả gặt hái được sẽ là gia tăng năng suất và kiểm soát chất lượng, phân tích hành vi của khách hàng, sáng tạo sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm, tư vấn trực tuyến, kiểm soát sản xuất và chất lượng tự động, làm việc từ xa...

Đặt chỉ tiêu về công nghệ cho các ngành chủ lực

Định hướng cho sản xuất công nghiệp năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong sản xuất công nghiệp cũng như đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên; tăng cường công tác ứng dụng chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Theo đó, ngành than cần tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh than.

Ngành cơ khí cần xây dựng các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành cơ khí; trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư để hình thành các dự án lớn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo.

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành, nghiên cứu các ưu đãi đầu tư đặc biệt làm thu hút các dự án sản xuất ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường từ các tập đoàn ô tô đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam, ưu tiên các dự án có chuyển giao và làm chủ các công nghệ như sản xuất pin, động cơ điện, ECU điều khiển…

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Tuyết Nhung