Liên minh châu Âu chia rẽ trong việc phân loại năng lượng hạt nhân
Quốc tế - Ngày đăng : 08:20, 14/11/2021
Bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Đức, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Áo ra một tuyên bố phản đối định nghĩa năng lượng hạt nhân là năng lượng “xanh”. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) đang nghiên cứu ban hành danh sách phân loại hoạt động kinh tế bền vững với môi trường của khối.
Một số quốc gia dẫn đầu là Pháp tích cực vận động đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách. Đặc biệt, Pháp còn công bố kế hoạch sử dụng năng lượng hạt nhân cho nỗ lực loại bỏ dần nhà máy điện dùng nhiên liệu hóa thạch vốn là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể.
Lập luận của phe phản đối
Đức, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Áo nhấn mạnh phải xem xét tính bền vững của một dạng năng lượng trong suốt vòng đời của nó – ý nói đến chất thải phóng xạ tạo ra bởi quá trình dùng năng lượng hạt nhân. Các nước này cũng cảnh báo đưa loại năng lượng này vào danh sách sẽ đem lại nguy cơ nguồn tài chính đầu tư cho năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời bị giảm đi.
Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze nhận định: “Năng lượng hạt nhân không thể là giải pháp cho khủng hoảng khí hậu. Nó quá rủi ro, quá chậm, quá đắt đỏ trong thập kỷ chống biến đổi khí hậu quan trọng sắp tới”.
Bộ trưởng Môi trường Áo Leonore Gewessler cũng có cùng quan điểm: “Một thứ không quá tệ không có nghĩa là nó tốt”.
Phe ủng hộ tập trung vào giảm khí thải carbon
Pháp, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech kêu gọi EC xếp nhà máy điện hạt nhân cùng cơ sở lưu trữ chất thải phóng xạ vào danh sách. Họ còn muốn danh sách có cả nhà máy điện hoạt động bằng khí đốt tự nhiên.
Ngày 9.11, Pháp thông báo nước này sẽ bắt đầu xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới để thực hiện cam kết giảm khí thải carbon. Tổng thống Emmanuel Macron nói: “Nếu muốn có năng lượng với mức giá hợp lý và không phụ thuộc nước ngoài, chúng ta phải tiếp tục tiết kiệm năng lượng cũng như đầu tư vào sản xuất năng lượng không carbon trên lãnh thổ trong khối”.
Lập trường của EC
EC tuyên bố một hệ thống phân loại sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động một cách thân thiện với môi trường hơn, giảm thiểu phân mảnh thị trường, đảm bảo đầu tư đổ vào đúng chỗ. Định nghĩa năng lượng hạt nhân là năng lượng bền vững trong văn kiện pháp lý có thể được xem như khuyến nghị cho phép đầu tư vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tháng 4.2020, Trung tâm Nghiên cứu chung thuộc EC ra một báo cáo đánh giá năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng an toàn ít carbon, sánh được với năng lượng gió và năng lượng mặt trời về mức độ đóng góp cho nỗ lực đối phó biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động vì môi trường không ngừng phản đối năng lượng hạt nhân. Theo họ, nguy cơ nóng chảy lò phản ứng làm rò rỉ phóng xạ và khó khăn trong xử lý chất thải phóng xạ đúng cách là những mối lo chính.