Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2020
Giáo dục - Ngày đăng : 11:57, 08/05/2020
Áp dụng cho tất cả các loại hình đào tạo
Sáng 8.5, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non (gọi tắt là quy chế tuyển sinh 2020). Quy chế tuyển sinh 2020 áp dụng cho các loại hình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng; bổ sung quy định về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng và quy định không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp để xét tuyển.
Về cơ bản, quy chế tuyển sinh 2020 vẫn giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã công bố với thí sinh, xã hội. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh 2020 có điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của quy chế tuyển sinh 2019. Quy chế tuyển sinh 2020 đề cập đến một số quy định liên quan đến công tác xét tuyển. Năm 2020 các tỉnh tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển như năm ngoái. Từ năm sau, thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp theo quy định của các trường.
Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và cập nhật điều chỉnh thông tin (nếu có) tại các thời điểm tuyển sinh. Quy chế cũng bổ sung quy định cụ thể về điều kiện cho các cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng.
Quy chế tuyển sinh năm 2020 có nhiều điểm lưu ý, trong đó chú ý nhất là các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Còn các trường ở khối ngành sức khỏe cũng có những quy định trong điểm đầu vào để đảm bảo chất lượng.
Thí sinh dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia
Cụ thể những điểm cần chú ý trong Quy chế tuyển sinh 2020:
1. Quy chế tuyển sinh 2020 áp dụng cho các loại hình đào tạo trình độ ĐH, CĐ gồm: Đào tạo chính quy; Vừa học vừa làm; Liên thông; Đào tạo cho người đã có bằng ĐH; Tuyển sinh đào tạo đặt hàng; Tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non.
Như vậy, quy chế tuyển sinh 2020 sẽ quy định các nội dung chung về tuyển sinh của các loại hình đào tạo trên. Đồng thời sẽ thay thế cho tất cả các nội dung liên quan tới quy chế tuyển sinh của từng loại hình đào tạo đã ban hành trước đây.
2. Từ năm 2020, do Luật giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, từ năm nay các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm. Chỉ tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non.
3. Quy chế tuyển sinh 2020 quy định chung cho các nhóm đối tượng tuyển sinh trình độ ĐH, tuy nhiên do đặc thù khác nhau của từng đối tượng thí sinh nên quy chế có các chương riêng quy định điều kiện tham dự xét tuyển, tuyển sinh cho từng nhóm. Cụ thể bổ sung thêm các nhóm đối tượng thí sinh được tham dự xét tuyển hoặc dự thi ĐH, CĐ gồm:
- Học sinh học chương trình nước ngoài, tại trường THPT ở Việt Nam được tham gia tuyển sinh. Với điều kiện, chương trình đó đã được nước sở tại công nhận và đạt trình độ tương ứng trình độ THPT của Việt Nam;
- Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Hiệu trưởng các trường ĐH căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực tiếng Việt (quy định tại Điều 6 Thông tư số 30/2018/TT-BGDĐT ngày 24.12.2018 quy định về quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam) để xem xét, quyết định cho vào học.
4. Năm 2020 các Sở Giáo dục và đào tạo/UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển như năm 2019. Từ năm 2021, thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp theo quy định của các trường. (Theo lộ trình tuyển sinh, từ năm 2021, các trường tự chủ hoàn toàn phương thức tuyển sinh nên sẽ không còn tiếp tục duy trì hệ thống lọc ảo chung trên toàn quốc).
5. Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và cập nhật điều chỉnh thông tin (nếu có) tại các thời điểm tuyển sinh.
6. Bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực...).
Quy chế quy định cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện sau:
Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên;
Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; Phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan; Có đề án tổ chức thi tuyển sinh; Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.
Với những điều kiện trên, những cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực, thi văn hóa, năng khiếu… để tuyển sinh hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng năm nay hoàn toàn có thể đáp ứng được.
7. Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; áp dụng với các loại hình tuyển sinh. Bộ sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Nếu thí sinh đăng ký sử dụng kết quả học tập để xét tuyển vào các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược thì điểm học bạ trung bình tối thiểu là 8,0 trở lên. Đối với các ngành: Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên;
Ngoài 2 ngành Y khoa và Sư phạm, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo khác sẽ do các trường tự quy định trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh của mình. Các trường ĐH có trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của mình với cơ quan quản lý và xã hội, với người học.
8. Quy chế cũng quy định thẩm quyền của Bộ GD-ĐT không áp dụng quy chế này trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, địch họa... và các trường hợp bất khả kháng khác và không được trái quy định của pháp luật.
9. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp). Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh.
10. Quy định trong trường hợp số thí sinh trúng tuyển (với 2 ngành Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng) không đủ điều kiện để tổ chức lớp học thì nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết (không trái quy định của pháp luật) hoặc báo cáo Bộ GD-ĐT để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
11. Hội đồng tuyển sinh trường sẽ chỉ gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định (VD: có giấy chứng nhận đã tốt nghiệp THPT); tránh trường hợp thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã có giấy thông báo trúng tuyển.
Bài và ảnh: Dạ Thảo