Chủ tịch Quốc hội: Sẽ giám sát lại những người đi giám sát
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:05, 04/11/2021
Ngày 4.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến ''Triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) năm 2022''.
Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội khóa 15 đều khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa 15. Do đó, để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, UBTVQH đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình giám sát chi tiết, UBTVQH đã báo cáo Quốc hội chỉ phê chuẩn nghị quyết phê chuẩn chương trình giám sát của Quốc hội; còn việc thành lập đoàn giám sát và đề cương, kế hoạch chi tiết từng chuyên đề giám sát giao cho UBTVQH. Đây chính là điểm đổi mới so với trước đây.
Năm 2022, Quốc hội và UBTVQH tiến hành 4 giám sát chuyên đề. Trong đó 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch"; 2 giám sát chuyên đề của UBTVQH về "Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã".
Nhấn mạnh công tác chuẩn bị tốt đã bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, giám sát phải đảm bảo phải hiệu lực, hiệu quả, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát.
Ngoài ra, cần có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Phải làm đến nơi, đến chốn, có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực; đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát”.
Lần này, UBTVQH yêu cầu: phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong từng ngành, lĩnh vực.
“Có như vậy, sau giám sát, chúng ta mới hy vọng có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước và yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương. Tỉnh, thành nào làm ở tỉnh thành đó và có kiểm tra chéo lẫn nhau. Hội đồng nhân dân, các đoàn đại biểu quốc hội, đoàn giám sát, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng làm độc lập...
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát phải chỉ ra được những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay là do tổ chức thực hiện. Tới đây, phải tăng cường công tác giải trình tại các cơ quan của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn tại UBTVQH.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “UBTVQH yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Đồng thời cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, giám sát phải khoa học. Tổ chức giám sát phải chặt chẽ. Cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh. Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước”.