Đổi mới sáng tạo quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:06, 25/10/2021
Đổi mới sáng tạo là át chủ bài
Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với khu vực và thế giới, việc tự chủ về công nghệ, mức độ tham gia sản xuất và nắm bắt được công nghệ sản xuất đóng vai trò quyết định rất lớn.
Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là khâu then chốt quyết định khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị.
Ở cấp độ cao hơn, R&D cùng với ĐMST chính là quân át chủ bài quyết định sự thành công của một quốc gia trong cuộc chơi kinh tế với khu vực và thế giới.
Để có thể tận dụng những cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tăng cường đầu tư vào R&D, nâng cao năng lực ĐMST quốc gia là con đường mà Việt Nam cần và nên chú trọng ngay lúc này.
Theo NCIF, R&D là bước đầu tiên, đồng thời cũng là công cụ hữu dụng thúc đẩy các hoạt động ĐMST, với mục tiêu chuyển hướng năng lực của quốc gia từ chuyển giao, sao chép công nghệ sang làm chủ, tự sáng tạo công nghệ.
Với việc tăng cường đầu tư cho R&D và ĐMST, nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được bước phát triển thần tốc, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các quốc gia khác, mà Trung Quốc, Hàn Quốc là ví dụ điển hình.
Tăng cường đầu tư và tập trung nỗ lực trong R&D đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia có nhiều robot công nghiệp nhất trên toàn thế giới kể từ năm 2016, Trung Quốc hiện sở hữu siêu máy tính mạnh thứ 3 và 4 thế giới.
Tương tự, tại Hàn Quốc, việc đầu tư ngày càng nhiều và có trọng điểm vào R&D đã giúp quốc gia này chuyển mình từ việc chỉ đi sao chép công nghệ sang làm chủ và sáng tạo công nghệ. Số lượng các bằng sáng chế cả trong nước và đăng ký tại nước ngoài của Hàn Quốc đều tăng nhanh.
Năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của Việt Nam thấp
Trong những năm qua, ĐMST tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Trong năm 2020, trên bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 42/131 nền kinh tế, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2019, và tăng 3 hạng so với năm 2018 (thứ hạng trong các năm 2018 và 2019 lần lượt là 45/126 và 42/129).
Tuy nhiên, hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ đầu tư cho R&D tại Việt Nam còn thấp; năng lực ĐMST của Việt Nam cũng đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng.
Cụ thể, tỷ lệ các doanh nghiệp đạt đến ranh giới công nghệ cao chưa cao, độ phủ sóng và cường độ sử dụng công nghệ mới trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ thuộc nhóm công nghệ cao, khả năng học hỏi và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp hơn so với kỳ vọng. Các doanh nghiệp Việt Nam còn ít sử dụng công nghệ cũng như chưa chủ động cải tiến công nghệ.
Trong số các doanh nghiệp đẩy mạnh R&D, đa phần cũng chỉ tập trung vào mục tiêu ứng dụng, vận hành các công nghệ sẵn có hơn là hướng tới đổi mới công nghệ. Tại thời điểm 2020, ước tính có khoảng 10% doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ từ những năm 1970, 30% sử dụng công nghệ từ những năm 1980 và 50% sử dụng công nghệ từ những năm 1990.
Mặc dù số đơn đăng ký bằng sáng chế của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2007-2017, từ 2.860 đơn trong năm 2007 lên 5.382 đơn vào năm 2017, tuy nhiên, có đến gần 90% chủ thể sở hữu các bằng sáng chế này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các chủ đơn là công dân Việt Nam chiếm chỉ khoảng 10%.
Phải thay đổi để tiến xa hơn
NCIF cho rằng Việt Nam cần có những hành động dứt khoát hơn, chú trọng hơn trong tăng cường đầu tư nguồn lực cho R&D, thúc đẩy nâng cao năng lực KHCN.
Trước tiên, cần tăng cường nguồn lực cho R&D và ĐMST. Quá trình tăng cường đầu tư cho các hoạt động R&D cần được thực hiện quyết liệt hơn, tập trung hơn, đặc biệt hướng tới nhóm các ngành khoa học cơ bản; đồng thời cũng cần tăng cường và không ngừng điều chỉnh hệ thống ĐMST theo hướng nâng cao năng lực ứng dụng của các sáng kiến KHCN.
Ngoài ra, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho ĐMST. Để có thể đạt được thành công trên con đường ĐMST, không chỉ cần làm chủ, tạo ra công nghệ, mà còn cần nắm vững và vận hành được công nghệ.
Theo NCIF, do bản thân quá trình R&D và ĐMST là nghiên cứu khoa học kết hợp với ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, do đó mang tính tích luỹ cao, cần có sự tương tác qua lại giữa các đơn vị nghiên cứu và ứng dụng. Vì vậy, để có thể đạt hiệu quả cao nhất, cần phải đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách để quá trình thực hiện ĐMST diễn ra nhanh, đạt tối đa.
Ở góc độ pháp lý, NCIF cho rằng cần chú trọng việc thiết lập và vận hành trơn tru hệ thống cơ sở pháp lý cho lĩnh vực KHCN, ĐMST cùng các thiết chế đi kèm như hệ thống sở hữu trí tuệ, đăng ký bằng sáng chế…
Theo đó, cần có những biện pháp nhằm tăng thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các danh mục đầu tư có hàm lượng tri thức cao, công nghệ hiện đại, tác động lan tỏa đến doanh nghiệp nội lớn, hoặc có cam kết chuyển giao công nghệ, nhằm hỗ trợ, tăng cường năng lực R&D và KHCN cho các DN nội địa.