Số cuộc thanh tra năm 2021 giảm chủ yếu do dịch COVID-19

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:15, 24/10/2021

Số cuộc thanh tra, kiểm tra giảm so với năm 2020 chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phải dừng, hoãn.

Giải trình một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu tại phiên họp sáng ngày 24.10, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội...

Tại kỳ họp thứ 2, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Về hoàn thiện thể chế phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

dhp.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Ngoài ra, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện để từng bước hình thành cơ chế phòng, ngừa chặt chẽ theo hướng đảm bảo không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.

Theo ông Phong, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tuy nhiên, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng vẫn còn có những hạn chế, tồn tại.

Ông Phong cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập...

Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của các đại biểu quốc hội, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng.

Giải trình về kết quả thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, kết quả của công tác này đã góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng.

Năm 2021, số cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2020, nhưng việc phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tăng.

Số cuộc thanh tra, kiểm tra giảm so với năm 2020 chủ yếu là do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phải dừng, hoãn.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, việc chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra tăng so với năm 2020 cho thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đã từng bước được nâng lên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

Điển hình về cuộc thanh tra việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển 7 vụ việc ngay trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua sang cơ quan điều tra ngay trong quá trình thanh tra, khi chưa dự thảo kết luận thanh tra.

Đối với ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc thanh tra liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Phong cho biết vừa qua, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết số 217 và 218, trong đó có nội dung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và có biện pháp phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra nội dung này trên phạm vi toàn quốc.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và một số ý kiến, kiến nghị của một số đại biểu quốc hội, ông Phong cho biết tiếp thu ý kiến thẩm tra, góp ý của Ủy ban Tư pháp và ý kiến của các đại biểu quốc hội, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Lam Thanh