Những người trung niên suy giảm nhận thức sau khi mắc COVID-19, vắc xin không liên quan đến sẩy thai
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:46, 23/10/2021
Vắc xin COVID-19 không liên quan đến sẩy thai
Hai nghiên cứu trên các tạp chí y khoa lớn đã bổ sung thêm bằng chứng rằng vắc xin COVID-19 an toàn trước và trong khi mang thai. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học New England hôm 20.10 đã theo dõi trên gần 18.500 phụ nữ mang thai ở Na Uy, trong đó có khoảng 4.500 người sẩy thai. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa vắc xin COVID-19 và nguy sơ sẩy thai trong 3 tháng đầu, bất kể vắc xin đó là vắc xin Moderna, Pfizer hay AstraZeneca.
Trong một nghiên cứu riêng biệt được công bố vào ngày 21.10 trên tạp chí The Lancet, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 107 phụ nữ đã mang thai khi tham gia thử nghiệm vắc xin AstraZeneca ở Anh, Brazil và Nam Phi. 72 phụ nữ đã được tiêm vắc xin, trong khi những người khác nhận giả dược.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng vắc xin AstraZeneca không ảnh hưởng đến tỷ lệ mang thai an toàn.
Các tác giả của nghiên cứu của Na Uy viết: “Điều quan trọng là phụ nữ mang thai phải được tiêm vắc xin vì họ có nguy cơ nhập viện và gặp biến chứng do COVID-19 cao hơn. Họ cũng có nguy cơ sinh non. Ngoài ra, tiêm vắc xin khi mang thai có khả năng bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại COVID-19 trong những tháng đầu tiên sau khi sinh”.
Kết hợp vắc xin mang lại hiệu quả cao chống lại COVID-19
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhân viên y tế ở Pháp đã tiêm mũi đầu tiên vắc xin Astrazeneca và mũi thứ hai Pfizer cho thấy đáp ứng miễn dịch mạnh hơn so với những người đã nhận đủ hai mũi vắc xin Pfizer.
Việc tiêm trộn hai loại vắc xin có công nghệ khác nhau được biết là có khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch với các loại vi rút và nghiên cứu này cho thấy điều đó cũng có thể đúng với SARS-CoV-2.
Cả hai loại vắc xin được dùng trong nghiên cứu này đều dạy các tế bào trong cơ thể tạo ra một đoạn protein tương tự như protein gai của vi rút SARS-CoV-2 và kích hoạt đáp ứng miễn dịch. Thế nhưng, chúng làm điều đó theo những cách rất khác nhau.
Vincent Legros thuộc Đại học Lyon (Pháp), đồng tác giả của bài viết được công bố trên tạp chí Nature hôm 21.10, cho biết cả hai loại vắc xin đều cung cấp sự bảo vệ “an toàn và hiệu quả”. Thế nhưng kết hợp vắc xin AstraZeneca với Pfizer “mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn” so với hai mũi vắc xin Pfizer ngay cả trong việc chống lại biến thể Delta. Hai công nghệ kết hợp tạo ra đáp ứng kháng thể có chất lượng tốt hơn, với nhiều kháng thể trung hòa hơn, có thể ngăn chặn vi rút. Nhiều tế bào cũng đã được vắc xin “huấn luyện” để tăng sự phòng vệ.
Ông Legros kết luận tiêm kết hợp vắc xin “là an toàn và có thể cung cấp nhiều sự lựa chọn thú vị cho các chuyên viên lâm sàng để ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2”.
Những người trung niên suy giảm nhận thức sau khi mắc COVID-19
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một tỷ lệ đáng kể những người tuổi trung niên phục hồi sau khi mắc COVID-19 (không bị mất trí nhớ trước đó) có vấn đề về nhận thức hơn nửa năm sau khi được chẩn đoán.
Nghiên cứu đã theo dõi 740 người trong độ tuổi từ 38 – 59. Khoảng một nửa là người da trắng và 63% là nữ. Trong các bài kiểm tra về kỹ năng tư duy, 20% gặp khó khăn khi chuyển đổi ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn. 18% gặp khó khăn khi xử lý thông tin nhanh chóng và 16% gặp khó khăn với các kỹ năng cần thiết để lập kế hoạch, tập trung chú ý, ghi nhớ hướng dẫn và thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Thời gian trung bình từ khi chẩn đoán là 7,6 tháng. Khoảng ¼ bệnh nhân đã nhập viện nhưng hầu hết không bị bệnh nặng.
“Chúng tôi không thể nói chính xác rằng các vấn đề nhận thức là kéo dài vì chúng tôi không thể xác định chúng bắt đầu từ khi nào. Thế nhưng, chúng tôi có thể nói rằng nhóm người mà chúng tôi nghiên cứu có tần suất suy giảm nhận thức cao hơn dự kiến vì họ tương đối trẻ và khỏe mạnh”, Tiến sĩ Becker nói.