Clip nhiều quán ở Hà Nội vi phạm quy định phòng chống COVID-19, khách chẳng quan tâm vì nói đã tiêm vắc xin
Video - Ngày đăng : 21:07, 18/10/2021
Từ 14.10, Hà Nội cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép phục vụ tại chỗ không quá 50% chỗ ngồi, phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR. Thế nhưng, tình trạng vi phạm quy định phòng chống dịch vẫn diễn ra tràn làn tại nhiều quán ăn đêm trên các tuyến phố của Hà Nội.
Chủ quán thờ ơ, không chấp hành, còn thực khách cũng không quá quan tâm đến các biện pháp phòng dịch. Một khách nam nói được tiêm vắc xin rồi nên không sao đâu?!
Có lẽ khách nam này không biết rằng tiêm 2 mũi vắc xin rồi vẫn có thể nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và lây bệnh cho người khác, đặc biệt là với biến thể Delta dễ lây lan. Chưa kể những người đáp ứng miễn dịch với vắc xin COVID-19 kém, bị bệnh nền vẫn có thể nguy cơ tử vong dù đã tiêm 2 mũi.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) tìm hiểu về đặc điểm của những người có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao nhất dù đã tiêm vắc xin.
Nghiên cứu do nhiều chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Anh thực hiện như Giáo sư Julia Hippisley-Cox thuộc Đại học Oxford, học giả Carol AC Coupland thuộc Đại học Nottingham, Giáo sư Kamlesh Khunti thuộc Đại học Leicester… Họ sử dụng một thuật toán dự đoán rủi ro để tính ra nguy cơ nhập viện lẫn nguy cơ tử vong của tượng dân số từ 19 - 100 tuổi đã tiêm 1 hoặc 2 liều vắc xin trong khoảng thời gian từ ngày 8.12.2020 đến ngày 15.6.2021. Các thông tin về thời gian tiêm, kết quả xét nghiệm COVID-19, nhập viện, điều trị ung thư, xạ trị, đăng ký báo tử lấy từ kho dữ liệu QResearch (Anh).
Trong số 2.031 ca tử vong và 1.929 ca nhập viện do COVID-19 mà các chuyên gia xem xét, có 81 ca tử vong và 71 ca nhập viện đã tiêm đủ 2 liều vắc xin (đã qua 14 ngày tính từ lần tiêm liều 2).
Có 18 tình trạng sức khỏe liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong sau khi tiêm chủng, gồm hội chứng down, bệnh hồng cầu liềm, HIV/AIDS, xơ gan, các hội chứng thần kinh, sa sút trí tuệ, bệnh parkinson, bệnh thận mạn tính, ung thư máu, động kinh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh động mạch vành, đột quỵ, rung tâm nhĩ, suy tim, nghẽn mạch do huyết khối, bệnh mạch máu ngoại biên, tiểu đường type 2.
Trường hợp có nguy cơ nhập viện cao cũng liên quan đến loạt tình trạng trên. Rủi ro tử vong gia tăng theo độ tuổi, tình trạng sống thiếu thốn, giới tính là nam, nguồn gốc dân tộc (người gốc Ấn hoặc Pakistan)...
Từ 6 giờ ngày 14.10, Ủy ban nhân dân Hà Nội điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:
- Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.
- Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.
- Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.
- Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch.
- Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.
Hà Nội giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng, đội phòng chống dịch cơ động của quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để rà soát, quản lý, giám sát việc di biến động người dân trên địa bàn.
Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế với việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch, từ các địa phương khác; người nhập cảnh (bao gồm trẻ em chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin); người hoàn thành cách ly tập trung được di chuyển thuận lợi về nơi cư trú/lưu trú, làm việc để phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất theo quy định.