Hà Nội lên kế hoạch chăm sóc trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:50, 18/10/2021
UBND TP.Hà Nội ban hành Công văn số 3556/UBND-KGVX về triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
Theo đó, UBND TP giao Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tiếp tục triển khai, hướng dẫn, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em mồ côi theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Bên cạnh đó, Sở phải hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đề xuất dự án, kế hoạch, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em này đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật đối với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa; hướng dẫn quy trình, thủ tục cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng thành lập cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi theo quy định.
Sở căn cứ vào tình hình thực tế về số lượng trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, phối hợp với các sở ban ngành TP tham mưu xây dựng chính sách, kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tăng cường việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em theo quy định của pháp luật để đảm bảo các quyền và lợi ích của trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 không bị xâm hại khi không có sự giám hộ của cha mẹ.
Các đơn vị khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, đặc biệt nhóm trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát, cập nhật, tổng hợp, quản lý số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ tử vong do đại dịch COVID-19, nguyện vọng của trẻ em và người giám hộ để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp.
Cùng với đó là chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thiết lập mạng lưới cá nhân, gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế trẻ em trên địa bàn. Thực hiện việc chăm sóc thay thế cho các em theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Thông tư số 14/2020/TT-BLĐTBXH ngày 18.11.2020 về việc hướng dẫn việc thực hiện các quy định về chăm sóc thay thế cho trẻ em.
Ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 khi bị xâm hại, tai nạn thương tích; chú trọng can thiệp, hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ pháp lý cho trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 khi các em không có sự giám hộ của bố mẹ.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, tính đến hết ngày 14.10, cả nước hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó, có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch.
Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em, thời gian qua, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19.