Thiếu minh bạch khi mời thầu mua sắm trang phục ngành Kiểm sát?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:17, 17/10/2021
Ngày 24.8.2021, Cục Kế hoạch - Tài chính, Viện KSND tối cao đã công bố mời thầu rộng rãi trong nước gói thầu: ‘’Mua sắm giày da, dép quai hậu, thắt lưng, bít tất, áo mưa, cặp đựng tài liệu VKSND năm 2021’’, để cung cấp cho các đơn vị trong phạm vi cả nước. Gói thầu có trị giá hơn 27 tỉ đồng, kinh phí sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ngày 23 giờ 16 ngày 20.8 đến 8 giờ 30 ngày 14.9.2021.
Đến nay, gói thầu có 4 công ty dự thầu, hiện đang trong thời gian đánh giá, lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, một số nhà thầu tham gia đấu thầu đã bày tỏ băn khăn về tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm theo hồ sơ mời thầu. Cụ thể, hồ sơ mời thầu do chủ đầu tư phát hành đã quy định tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có nội dung ‘’Giá trị: có ít nhất 01 Hợp đồng tương tự có giá trị ≥ 19,4 tỉ đồng cung cấp cho tối thiểu 30 tỉnh/thành phố (Giá trị hợp đồng tương tự được xác định bằng phần giá trị có tính chất và nội dung tương tự gói thầu đang xét là: Giày da, dép quai hậu, thắt lưng)”.
Theo phản ánh của nhà thầu, tiêu chí "cung cấp cho tối thiểu 30 tỉnh/thành phố" trong hồ sơ mời thầu nêu trên đã ‘’vênh’’ với quy định tại Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16.6.2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về Hợp đồng tương tự. Cụ thể, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT nêu rõ: “Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét và đã hoàn thành, bao gồm: Tương tự về chủng loại, tính chất: có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét; Tương tự về quy mô: có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét.” Ngoài ra, không có yêu cầu nào về đối tượng hay địa bàn thực hiện như điều khoản tiêu chí mà hồ sơ mời thầu của gói thầu đưa ra.
Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: hồ sơ mời thầu ‘‘không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của Nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với Nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của Nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu...".
Nhà thầu cho rằng tiêu chí "cung cấp cho tối thiểu 30 tỉnh/thành phố" mà chủ đầu tư đưa ra để đánh giá hợp đồng tương tự là không đúng với quy định của Nhà nước. Đồng thời đây cũng có thể là điều kiện nhằm hạn chế nhà thầu tham gia hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, không đảm bảo minh bạch.
Đáng chú ý, để làm rõ các băn khoăn này, có nhà thầu đã gửi văn bản đến Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến giải đáp. Tuy nhiên, trong phản hồi của cơ quan này chỉ mang tính nước đôi khi chỉ viện dẫn một số quy định tại Nghị định 63/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, mà không đưa ra chỉ dẫn, chủ đầu tư đúng hay sai khiến nhà thầu càng thêm bối rối.
Trao đổi qua điện thoại với PV Một Thế Giới, một lãnh đạo Viện KSND tối cao cho hay, hồ sơ mời thầu không phải chủ đầu tư xây dựng các tiêu chí. Hồ sơ mời thầu được Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư vấn, được thẩm định bởi Bộ Tài chính.
Cũng theo vị lãnh đạo này, Viện đã nhận được phản ánh với nội dung như trên bằng văn bản của một số nhà thầu. Sau khi nhận được phản ánh, Viện đã có văn bản gửi đơn vị chấm thầu (Trung tâm Tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xem xét khi thực hiện chấm thầu.