Cần quan tâm tới sinh viên mồ côi trước gánh nặng tài chính sau đại dịch COVID-19

Sự kiện - Ngày đăng : 15:27, 16/10/2021

Hiện nay, nhiều sinh viên chưa đi làm thêm được nên Ngân hàng chính sách xã hội cần cho vay để đóng học phí, đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, TP.HCM và cả nước mới không bị đứt gãy nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Đó là thông tin được thảo luận tại hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 16.10.

Tại hội thảo, bên cạnh những vấn đề về kinh tế, lao động, văn hoá - giáo dục, xã hội, các đại biểu rất quan tâm tới vấn đề an sinh, sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên mồ côi và chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân hậu COVID-19.

Phát biểu tại phần thảo luận, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng song song việc quan tâm tới các trẻ em mồ côi vì COVID-19, rất cần quan tâm đến sinh viên có ba, mẹ mất vì COVID-19. Nhiều em sinh viên mồ côi đang rất bơ vơ, thậm chí sang chấn tâm lý và rơi vào cảnh không còn tiền để học tập. Các em cũng chưa thể đi làm thêm được vì vừa trải qua biến cố; hoặc chưa thuận tiện kiếm việc làm thêm vì nhiều nhà hàng, quán ăn chưa mở cửa trở lại, việc dạy thêm trực tuyến cũng không thuận lợi. Đối với những sinh viên này, trước mắt, rất cần các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp miễn học phí cho năm học 2021-2022.

ngan.jpeg
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu tại hội thảo-Ảnh: TTBC

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân đề xuất “Rất cần TP.HCM và các địa phương, mạnh thường quân… quan tâm hỗ trợ, giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ ở giảng đường. Đối với nhóm sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn, cũng rất cần được quan tâm hỗ trợ bằng việc mở rộng cánh cửa cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, giúp các em có điều kiện đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt. Hiện nay, nhiều sinh viên chưa đi làm thêm được nên Ngân hàng chính sách xã hội cần cho vay vừa để đóng học phí, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo chi phí sinh hoạt cho các em. Có như vậy, TP.HCM và cả nước mới không bị đứt gãy nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai”.

Liên quan đến nội dung xác lập đối tượng chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho ba đối tượng gồm người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế tại TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng cần xác lập chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân bởi những tác động khủng khiếp của đại dịch trải dài từ kinh tế, sức khỏe, xã hội cho đến kiệt quệ cả thể chất và tinh thần của từng con người.

Trong và sau đại dịch COVID-19, các rối loạn và tổn thương về tinh thần như: Lo âu, trầm cảm, căng thẳng (stress), suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn/tổn thương căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và nhiều tổn thương thần kinh phức tạp khác kéo dài về nhau. Các tổn thương, di chứng về tinh thần không chỉ xuất hiện ở người mắc COVID-19 mà còn lan ra các nhóm nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, và từng người dân đang phải sống trong cách ly, phong tỏa. Tỷ lệ xuất hiện PTSD khoảng 30% trong số người mắc COVID-19, rất cần hỗ trợ điều trị tâm lý ngay sau đại dịch.

GS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, tất cả thực trạng đó dẫn đến nguy cơ rất cao xuất hiện những rối nhiễu tâm lý, làm suy giảm sức khỏe tinh thần sau đại dịch (aftermath) mà hệ quả là giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Vì thế, việc thúc đẩy chiến lược chăm sóc tinh thần dài hạn cho người dân trong các bối cảnh của dịch bệnh là một nhu cầu cấp thiết.

“Tôi khuyến nghị xác lập chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần, đề xuất thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khỏe tinh thần sau đại dịch (Center for Better Mind – CBM) thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Đây là một động thái nhân văn nhưng rất hiện đại cần nhận thức một cách sâu sắc và thực thi bằng trách nhiệm cụ thể. Đó là cơ sở quan trọng cũng như các động thái để góp phần mau chóng hồi phục kinh tế xã hội của TP.HCM nhưng đảm bảo phát triển bền vững và tránh những nguy cơ tiềm ẩn”, ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Tú Viên