Đề xuất tỉnh An Giang cho doanh nghiệp thu nhận hàng ngàn công nhân hồi hương

Sự kiện - Ngày đăng : 19:19, 11/10/2021

Tại Hội nghị trực tuyến với UBND 11 huyện, thị xã, thành phố và 19 doanh nghiệp, UBND tỉnh An Giang đã từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp.

Ngày 11.10, UBND tỉnh An Giang chủ trì Hội nghị trực tuyến với UBND 11 huyện, thị xã, thành phố và 19 doanh nghiệp về việc lấy ý kiến dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

5-truc-tuyen-11.10-.jpg
Ông Doãn Tới - Chủ tịch Tập đoàn Nam Việt đề xuất tỉnh cho doanh nghiệp thu nhận hơn 2.000 công nhân hồi hương - Ảnh: Tô Văn

Phát biểu tại hội nghị, ông Doãn Tới - Chủ tịch Tập đoàn Nam Việt cho biết, trước số lượng người dân đổ về tỉnh hơn 50 ngàn người,  Nam Việt quyết định đề xuất tỉnh An Giang cho thu nhận từ 2.000 - 3.000 lao động vào làm việc với mức lương từ 8 triệu đến 15 triệu đồng/người cho mỗi tháng. Ông Tới cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể nhân cơ hội này để thu nhận hết số lượng công nhân đã hồi hương hiện nay.

“Hôm nay là buổi họp giao lưu với các doanh nghiệp, chúng tôi rất phấn khích và vui mừng được gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh. Chúng tôi thấy chủ trương của tỉnh đưa ra đã giải quyết áp lực cho doanh nghiệp. Hiện nay, đơn hàng của tôi khắp thế giới khoảng 20.000 tấn. Vấn đề hiện nay, tập đoàn của tôi phải sản xuất cung ứng kịp thời để không vi phạm hợp đồng cho các đối tác. Chính vì thế, khi muốn làm được đều này thì chính quyền phải chung tay hỗ trợ và phải mở cửa cho doanh nghiệp thuận lợi nhất trong bối cảnh hiện nay”, ông Tới mong mỏi.

Ông Nguyễn Phúc Thịnh - Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp Trường Hải An Giang yêu cầu tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông vận chuyển hàng hóa.

“Tôi đi dự họp theo yêu cầu thư mời của tỉnh An Giang nhưng khi đến chốt T2 (phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên) thì bị làm khó. Trong khi đó, tôi đã trình giấy tờ theo quy định, giấy test âm tính, kể cả thư mời nhưng vẫn bị làm khó và mất thời gian đến dự họp. Việc các chốt làm khó như vậy thì hiện nay các doanh nghiệp từ Long An, Tiền Giang hầu như đều ngán ngẫm khi xuống An Giang để liên kết sản xuất hay trao đổi hàng hóa. Vì vậy, tôi chỉ mong muốn tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi nhất trong tình hình này”, ông Thịnh nói.

1-truc-tuyen-11.10-.jpg
Quang cảnh buổi Hội nghi trực tuyến - Ảnh: Tô Văn

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ghi nhận và trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp trách nhiệm của các doanh nghiệp tham dự hội nghị.

“Các doanh nghiệp cần phải xây dựng kịch bản, kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất và cam kết thực hiện tốt phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Thực hiện giãn cách trong hoạt động sản xuất, theo dõi sức khỏe công nhân, cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất; Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công nhân. Đặc biệt, những địa phương đã kiểm soát được dịch tốt tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi nhanh sản xuất; những nơi còn lại sẽ tập trung toàn lực dập dịch trong thời gian sớm nhất để doanh nghiệp an tâm khi tổ chức lại sản xuất”, ông Bình yêu cầu.

Ông Bình thông tin thêm, sắp tới tỉnh An Giang sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động của các doanh nghiệp, các tiểu thương tại các chợ và tài xế để đảm bảo cho hoạt động phục hồi sản xuất an toàn.

Tô Văn