Sớm mở cửa để khôi phục du lịch TP.HCM

Du lịch - Ngày đăng : 14:12, 05/10/2021

Ngành du lịch TP.HCM đang triển khai lộ trình khôi phục theo hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19, xây dựng sản phẩm du lịch có thể triển khai ngay.

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp (DN) du lịch năm 2021 do UBND TP tổ chức chiều 4.10, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đề nghị ngành du lịch trên địa bàn xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch phù hợp để có thể đón khách ngay trong giai đoạn này.

An toàn tới đâu, mở cửa tới đó

Tác động nặng nề và kéo dài của dịch COVID-19 khiến các chỉ tiêu của ngành du lịch TP từ năm ngoái đến 9 tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ tháng 4.2021, thống kê của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cho thấy có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường khách quốc tế tạm ngưng hoạt động. Từ đầu năm 2020 đến ngày 25.9.2021, tổng cộng có 190 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trước thực tế nhiều khó khăn, ngay khi TP lên kế hoạch tái khởi động kinh tế trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vắc xin của người dân TP tiếp tục gia tăng, các doanh nghiệp ngành du lịch kỳ vọng sớm hoạt động để khôi phục trở lại.

Sở Du lịch TP đang xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động ngành trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn đến cuối năm 2021 và năm 2022 theo nguyên tắc "An toàn tới đâu, mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn". "Thị trường nội địa sẽ giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi. Chúng tôi sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn, đồng thời chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho hay.

hcm.jpg
Đoàn y - bác sĩ, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tham quan TP.HCM sau 3 tháng chi viện chống dịch ở TP.HCM - Ảnh: Hoàng Triều

Lộ trình khôi phục hoạt động của ngành du lịch dự kiến theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu (tháng 10.2021), chỉ mở cửa hoạt động du lịch theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và chỉ mở trên địa bàn "vùng xanh". Các chương trình du lịch chỉ được tổ chức theo phương thức khách đoàn, đi và về trong ngày tại điểm tham quan ở nơi đã kiểm soát được dịch như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7… doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch phải bảo đảm các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực du lịch. Trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến xấu, ngành du lịch TP sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động.

Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp du lịch băn khoăn tại hội nghị là bài toán về nguồn nhân lực. "Cần sớm rà soát lại thực trạng nhân lực của ngành du lịch và tìm cách thu hút để có nguồn nhân lực đáp ứng quá trình khôi phục ngành" - bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP, đề xuất.

Đề xuất tour "bong bóng khép kín"

Riêng về sản phẩm du lịch, bà Nguyễn Thị Khánh nhận định, cùng với một số tour khép kín đang triển khai thí điểm phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch những ngày qua, ngành du lịch TP cần sớm kết nối lại với các địa phương khác, nhất là những điểm đến, vùng đã liên kết du lịch với TP để cùng xây dựng điểm đến an toàn. Khi ngành hàng không khai thác trở lại, có thể xây dựng tour khép kín từ TP đi các địa phương.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), phân tích việc liên kết là cần thiết để tạo ra sản phẩm đa dạng. Thời gian qua, TP đã triển khai những chương trình kết hợp du lịch với khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Đông Bắc, Tây Bắc mở rộng… có thể xây dựng hành trình xanh khép kín đưa đón khách giữa TP với những điểm đến này. Quan trọng là phải thống nhất tiêu chí an toàn bởi yêu cầu về phòng chống dịch ở nhiều nơi cũng rất quyết liệt.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng có thể nhấn mạnh TP là điểm đến an toàn trong thời gian tới dựa theo tiêu chí về tỉ lệ tiêm vắc-xin ngày càng cao. Từ đó, mạnh dạn mở rộng xây dựng sản phẩm mới, sản phẩm liên kết, địa phương nào cho phép khách du lịch đến thì TP sẵn sàng đón và ngược lại. "Nếu chỉ phát triển du lịch nội đô sẽ rất khó để sớm khôi phục ngành du lịch và hoạt động của DN, trong khi nếu ngành hàng không khai thác trở lại, những tour dạng "bong bóng khép kín" hoặc một cung đường có thể triển khai giữa TP với các điểm đến khác trong nước. Để làm điều này, TP và các địa phương, đặc biệt những nơi đã có liên kết hợp tác phát triển du lịch, phải cùng thống nhất đưa ra bộ tiêu chí an toàn, cách thức tổ chức tour" - ông Duy nói.

Ghi nhận những ý kiến góp ý, kiến nghị của các DN, bà Phan Thị Thắng cho rằng sớm mở cửa trở lại ngành du lịch là cần thiết nhưng cũng cần bảo đảm chặt chẽ công tác phòng chống dịch. Các doanh nghiệp sẽ nắm quyền quyết định tổ chức hoạt động, bảo đảm an toàn dựa trên các khung quy định về y tế, dịch tễ. "Nhiệm vụ của ngành du lịch là tính toán đón khách sao cho phù hợp ngay lúc này, còn khi dịch đã kiểm soát tốt thì bài toán sẽ đơn giản hơn nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần trao đổi kỹ về sản phẩm du lịch, đưa khách đến khu vực nào, mở rộng theo hướng nào? Trong đề xuất kết nối với các tỉnh, điểm đến khác để làm tour khép kín cũng cần nêu rõ sản phẩm, tour tuyến cụ thể, chi tiết để bàn, tìm hướng triển khai" - bà Phan Thị Thắng chỉ đạo.

Linh hoạt áp dụng tiêu chí mở cửa tại doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết theo các tiêu chí an toàn để hoạt động trở lại, doanh nghiệp trong ngành du lịch sẽ được hoạt động khoảng 50% công suất ở thời điểm này. Dù vậy, Sở Du lịch TP chủ trương sẽ xem xét cho những DN đáp ứng đủ điều kiện có thể mở rộng hơn theo lộ trình.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho hay dự kiến trong tuần này, TP sẽ ban hành lại bộ tiêu chí an toàn về phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực du lịch, có cập nhật, bổ sung những quy định mới phù hợp điều kiện thực tế để doanh nghiệp triển khai ngay. Tinh thần là sẽ trao quyền tự chịu trách nhiệm cho DN, TP chỉ hậu kiểm để tránh tạo thêm những quy định không cần thiết.

Theo NLĐ