'Người từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh vẫn nên tiêm vắc xin để tránh tái nhiễm vi rút'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:35, 05/10/2021
Khi thời hạn bắt buộc tiêm vắc xin của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đến rất gần, nhiều tiểu bang và các công ty tư nhân tiếp tục được yêu cầu bắt buộc phải tiêm vắc xin cho nhân viên. Nhiều người lao động Mỹ chưa tiêm vắc xin COVID-19 có thể sớm mất việc nếu không tuân thủ yêu cầu tiêm chủng này. Điều đó đã xảy ra với hàng trăm nhân viên y tế và hàng không trên khắp nước Mỹ, những người từ chối tiêm vắc xin.
Một trong số lập luận chống lại việc tiêm vắc xin COVID-19 là khả năng miễn dịch tự nhiên nên được coi là biện pháp thay thế cho tiêm chủng. Chủ đề này đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây với việc các cầu thủ NBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ) và nhân viên chăm sóc sức khỏe đã lên tiếng, viện dẫn khả năng miễn dịch tự nhiên là thứ mà họ tin là lý do hợp lệ để từ chối tiêm vắc xin COVID-19.
Tuần trước, cầu thủ NBA - Jonathan Issac đã nói trong một cuộc họp báo rằng anh không tiêm vắc xin COVID-19 vì có miễn dịch tự nhiên.
Jonathan Issac nói: “Tôi bắt đầu biết về điều này từ việc tôi từng mắc COVID-19, vì vậy hiểu biết của tôi về kháng thể, về khả năng miễn dịch tự nhiên đã thay đổi rất nhiều so với lúc đầu khi đại dịch mới bùng phát và vẫn đang tiếp tục được củng cố”.
Lập luận về miễn dịch tự nhiễn cũng nổi lên như thách thức pháp lý tiềm ẩn với các tiểu bang và các chính sách tiêm chủng bắt buộc của liên bang.
Tại New York, việc bắt buộc tiêm vắc xin cho hơn 650.000 nhân viên bệnh viện và viện dưỡng lão đã dẫn đến một loạt vụ kiện trên khắp tiểu bang do các y tá và những người khác đang tìm kiếm các trường hợp miễn trừ khác nhau, bao gồm cả một vụ kiện cho những người từng mắc COVID-19.
Hôm 30.9, một thẩm phán đã ủng hộ yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 của Đại học California (Mỹ) trước sự thách thức từ một giáo sư, người nói rằng ông đã miễn dịch tự nhiên do từng mắc COVID-19 trước đó.
Thẩm phán tòa án quận giám sát vụ việc cho biết hệ thống trường đại học đã hành động hợp lý để bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách bắt buộc tiêm vắc xin và không miễn trừ cho những cá nhân có một số mức độ miễn dịch tự nhiên. Đây phán quyết đầu tiên và nó có thể ảnh hưởng đến các phán quyết trong tương lai về vấn đề này.
Bằng chứng khoa học nói về khả năng bảo vệ nào là tốt hơn: Miễn dịch tự nhiên hay kháng thể từ vắc xin? Câu trả lời là vô cùng phức tạp.
Tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và Giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, nói dữ liệu có sẵn là hỗn hợp, với một số nghiên cứu chỉ ra rằng miễn dịch tự nhiên có hiệu quả như một số loại vắc xin và các nghiên cứu khác cho thấy ngược lại.
“Khi dữ liệu trái chiều, chúng tôi lưỡng lự và tiếp tục nghiên cứu”, Tiến sĩ Monica Gandhi viết trên Twitter.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và hầu hết các chuyên gia y tế ở Mỹ khuyến cáo rộng rãi rằng việc tiêm vắc xin COVID-19 là nên áp dụng cho tất cả những người đủ điều kiện bất kể họ từng mắc COVID-19 hay chưa.
Theo CDC và các chuyên gia y tế ủng hộ hướng dẫn trên một lý do cho khuyến cáo này là nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra khả năng bảo vệ cơ thể khỏi vi rút SARS-CoV-2 kéo dài bao lâu sau khi khỏi bệnh. Ngoài ra, CDC cho biết, một trong những nghiên cứu gần đây trải qua “quy trình thanh tra nhiều cấp nghiêm ngặt” cho thấy việc tiêm vắc xin mang lại khả năng bảo vệ cao hơn so với miễn dịch tự nhiên có được sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Nghiên cứu được đánh giá ngang hàng trên 246 người dân bang Kentucky kết luận rằng những người từng mắc COVID-19 mà chưa tiêm vắc xin có nguy cơ nhiễm vi rút cao gấp 2 lần so với những ai được tiêm chủng đầy đủ.
Tiến sĩ Peter Hotez, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng Texas, nói với Yahoo News rằng một lý do khác khiến những người từng mắc COVID-19 nên tiêm phòng là vì không phải cơ thể ai cũng xây dựng được khả năng miễn dịch mạnh mẽ sau khi nhiễm vi rút.
“Nếu bạn nhìn vào một số nghiên cứu ban đầu, những người mắc COVID-19 và đang hồi phục có đáp ứng không đồng nhất với vi rút rất khác nhau. Một số có đáp ứng miễn dịch khá mạnh mẽ. Một số người khác hầu như không không có kháng thể trung hòa hoặc đáp ứng miễn dịch và rất dễ bị tái nhiễm”, ông Peter Hotez cho biết.
Vì rất khó để xác định được ai có thể có miễn dịch tự nhiên nên ông Hotez cho rằng điều tốt nhất nên làm là khuyến nghị tiêm phòng cho tất cả những người từng mắc COVID-19.
Thế nhưng, những người ủng hộ miễn dịch tự nhiên thay yêu cầu tiêm vắc xin cũng dựa trên lập luận từ những dữ liệu khoa học. Họ đưa ra một số nghiên cứu trong năm qua đã chỉ ra rằng khả năng miễn dịch tự nhiên mang lại sự bảo vệ đáng kể chống lại sự tái nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Chúng bao gồm các nghiên cứu ngoài của Bệnh viện Cleveland Clinic, Đại học Washington và Israel.
Theo nghiên cứu trên 778.658 người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 và vẫn chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ tái nhiễm có triệu chứng từ biến thể Delta thấp hơn 27 lần so với những người bình thường được tiêm đủ hai mũi vắc xin Pfizer. Nghiên cứu cũng cho thấy người có khả năng miễn dịch tự nhiên tiêm thêm một mũi vắc xin COVID-19 sẽ làm tăng khả năng bảo vệ chống lại biến chủng Delta.
Trả lời nghiên cứu từ Israel, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, cho biết khả năng miễn dịch tự nhiên là “điều mà chúng ta cần phải ngồi xuống và thảo luận một cách nghiêm túc”. Ông cũng nói thêm rằng nghiên cứu không cung cấp thông tin về độ bền của lớp bảo vệ khỏi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước đó và còn rất nhiều điều cần được tính đến, nghiên cứu thêm khi nói đến chủ đề này.
Các lập luận khác đã được đưa ra bởi những người phản đối quy định tiêm vắc xin là ở nước khác, bằng chứng về sự nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước đó được tính đến với những người có thể nhận hộ chiếu vắc xin trong 6 tháng. Tuy nhiên ở Mỹ không có quy định như vậy.
Dù những người phản đối lập luận lệnh tiêm vắc xin không nên triển khai cho tất cả mọi người, nhiều chuyên gia y tế tin rằng tiêm chủng cho cả những người từng mắc COVID-19 cuối cùng là chính sách y tế công cộng có trách nhiệm nhất hiện nay.
“Không có nghi ngờ gì về việc lây nhiễm tự nhiên mang lại khả năng miễn dịch đáng kể cho nhiều người, nhưng chúng ta đang sống trong một môi trường thông tin bị nhiễu loạn, vì vậy nguyên tắc phòng ngừa nên được áp dụng, điều này là an toàn hơn cả”, cựu Giám đốc CDC - Tom Frieden nói với tờ British Medical Journal.
Tiến sĩ Peter Hotez cho biết chiến lược tiêm vắc xin phổ cập này cũng là cách tiếp cận tốt nhất ở thời điểm hiện tại vì còn nhiều thách thách thức tồn tại trong việc kiểm tra mức độ miễn dịch hoặc khả năng bảo vệ của cơ thể người khỏi COVID-19 trên quy mô lớn.
“Chúng tôi có các xét nghiệm để đo lượng kháng thể. Về lý thuyết, bạn thậm chí có thể đo được cả vi rút vô hiệu hóa các kháng thể trong phòng thí nghiệm nhưng điều đó không dễ thực hiện...”, ông Hotez nói thêm.
Cuối cùng, các chuyên gia y tế nói rằng tiêm vắc xin đơn giản là một cách định lượng, dễ dự đoán và đáng tin cậy để bảo vệ cộng đồng ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, ông Hotez nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngay cả với người từng mắc COVID-19 trước đó.
“Điểm mấu chốt là nếu bạn từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh, bạn vẫn dễ bị tái nhiễm, đặc biệt là biến thể Delta. Nếu bạn chưa được tiêm vắc xin thì hãy làm điều đó”, ông Hotez nhấn mạnh.